Mười bảy.

Hôm qua là ngày giỗ của cụ Xuân Oanh, ông nội nàng. Cũng là ngày một chuyện thú vị xảy ra.

Tom Wilber là con trai của một phi công Mỹ đã bị bắn hạ trong chiến tranh Việt Nam chống Mỹ. Gene Wilber, bố ông, sau này đã lên tiếng mạnh mẽ rằng tù nhân Mỹ đã được chính phủ Việt Nam đối xử tử tế. Cụ Xuân Oanh, hồi ấy là một nhà ngoại giao, đã góp phần tạo ra thiện cảm tốt đẹp này.

Tom Wilber đã dành hơn chín năm nay để quay trở lại Việt Nam đến bốn mươi lần. Ông lần mò tìm đến các dấu tích mà cha mình để lại trên đất Việt, và khi công cuộc tìm kiếm tạm dầy dặn, thì ông đi tìm thêm cả manh mối về đồng đội của bố mình. Rồi ông tìm ra người bắn hạ bố mình, người đã bắt bố mình khi cụ Gene Wilber đáp đất. Ông tìm thấy manh mối về cụ Xuân Oanh, một trong những người đã làm công tác tư tưởng cho bố mình trong nhà tù Hoả Lò. Và ông tìm ra con cháu của cụ Xuân Oanh.

Ở “đầu bên kia”, thì con cháu của cụ Xuân Oanh đang lượm lặt thông tin từ khắp nơi để cố gắng xuất bản một cuốn sách về cụ, trong năm nay.

—-

“Tối nay con rảnh không? Đi với bố mẹ đến gặp một ông này, ông ấy viết một chương trong sách về ông nội. Phần ông ấy viết đây.” Bố Thư nhắn nàng qua zalo, không quên đính kèm vài file .doc. Nàng đọc lướt để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ sẽ xảy ra sau đó chỉ vài tiếng, đồng thời lên mạng tra cứu về những cái tên xuất hiện trong hồ sơ. Tom Wilber, Gene Wilber, Tom Hayden… Nàng nốc vội hai viên Stugeron vì biết một cơn tiền đình nữa đã chuẩn bị xảy đến.

Cuộc hẹn với Tom Wilber diễn ra trong một nhà hàng Việt, chỉ cách nhà ông nội nàng dăm phút đi bộ. Các tài liệu nàng đọc trước đó về nhân vật này đang không khớp nhau, mà nàng không muốn làm mất thời gian của những người khác bằng việc cố gắng làm sáng tỏ những nghi vấn của nàng. Bởi thế, trong buổi tiệc, nàng chỉ cười, lắng nghe, và hỏi dăm ba điều không liên quan đến câu chuyện lịch sử.

Dù nàng ẩn dật là vậy, nhưng Tom vẫn giữ liên lạc với nàng sau bữa tối đó. Họ hẹn đi dạo với nhau vào giờ trưa hôm sau. Đúng mười hai rưỡi trưa (ngày hôm nay) mùng Bốn tháng ba, ngày cả nhà làm giỗ cụ Xuân Oanh, Tom xuất hiện ở nhà ông nội của nàng.

“Bác biết không, mỗi lần cháu kéo cái cửa xếp này, cháu lại nhớ đến ông nội. Tiếng kéo cửa này chứng tỏ ông cháu chuẩn bị đi chơi, hoặc vừa đi chơi về. Nó là âm thanh của hạnh phúc!” Nàng kéo cửa để Tom quay lại video. Tom và nàng có nhiều điểm giống nhau: họ đều là người kể chuyện, đều ghi hình và quay video làm tư liệu cho chuyện kể của mình, và họ cùng có sự tò mò về hành trình xương máu của cha, ông họ.

Nàng dẫn Tom đi trên con đường nối từ nhà ông nội nàng đến Hồ Gươm. Đây là đường mà ông cháu nàng thường đi với nhau, cách đây nhiều năm. Rồi họ ngồi tại Bốn Mùa, địa điểm quen thuộc mà hai ông cháu nàng thường ngồi ăn năm nào. Tom có nhiều nét giống ông nội nàng. Dáng người cao gầy, tóc bạc, mũi to, hay cười tủm tỉm. Nàng đi cùng Tom mà tưởng tượng đến ông mình. Những ngày đi dạo ấy đã cách đây gần hai mươi năm về trước.

– Cháu rất xin lỗi bác, bởi ông cháu và bố mẹ cháu ít khi nói chuyện gia đình cho cháu. Dường như đấy là cách họ giữ cho cháu được bình yên và xa khỏi sự khốc liệt của chiến tranh. Vậy nên, cháu gần như không biết gì về phần chuyện mà bác có, và cháu có thể sẽ hỏi bác những câu sơ đẳng!

Đó là cách nàng rào đón để “khui” chuyện từ Tom mà không sợ bị ông chê trách. Kể từ đó, Tom hào hứng tuôn ra mọi điều. Ông kể từ chuyện của bố mình, cho đến chuyện của mình, và chuyện của con mình nữa.

Nàng lắng nghe chuyện nhà Tom, trong lòng khấp khởi vì tiếp nhận được một lượng thông tin khổng lồ của một cuốn sử sống. Có nhiều thứ nàng muốn ghi lại, chẳng hạn như Tom đã tìm được người bắn hạ cha mình, và ông và con của người ấy thường xuyên đến thăm nhau. Hay là những người đã bắt được cụ Gene Wilber khi cụ ấy tiếp đất, họ đã đánh cho cụ Gene một trận. Tom cũng tìm được họ, và họ nói: “Hồi đó tôi đánh bố cậu đấy. Cậu có thể đánh tôi nếu muốn nhé!”

Tại sao Tom lại bỏ ra rất nhiều thời gian và tiền bạc để đến Việt Nam những bốn mươi lần, để gặp gỡ và truy tìm tất cả đầu mối, để sưu tầm kỷ vật thời chiến của rất nhiều đầu mối liên quan và mang tặng cho các bảo tàng ở cả hai đầu cuộc chiến? – Nàng tự hỏi. Nhưng nàng cũng cảm nhận được trong bản thân nàng cũng có niềm đam mê với công việc ấy. Nàng cũng thích tìm tòi, khám phá. Nàng thích khai quật, thích nghe kể chuyện, thích kỷ vật và bảo tàng. Ông ấy hẳn làm vì trí tò mò, vì tình yêu với bố, và vì tình người.

Họ đi ngang qua một cửa hàng quần áo secondhand.

– Bác Tom, đây là cửa hàng của bạn cháu. Hồi bọn cháu học đại học, cháu và bạn ấy mở một cửa hàng quần áo, cũng bắt đầu từ đồ secondhand.
– Ồ bác cũng thích đồ secondhand lắm. Nhưng rất khó kiếm đồ cho nam. Hình như chỉ toàn đồ nữ thôi.
– Bác biết không, cháu có một người bạn Mỹ. Cậu ấy chuyên cải trang thành đàn bà, cậu ấy hoá trang đẹp lắm. Cháu đang muốn cải trang thành đàn ông, mấy hôm nữa cháu kêu cậu ấy giúp cháu mua đồ trang điểm và quần áo. Cậu ấy hay mua đồ diễn ở mấy cửa hàng sida. À nhưng đó là vì cậu ấy mua đồ nữ nhỉ. Cháu đào đâu ra đồ nam bây giờ…
– Bác có một số bộ vest thời đi làm không dùng nữa, có mấy thứ màu sắc bảnh choẹ ra phết! Có vẻ như cháu mặc được đồ của bác đấy! Để bác về bác chụp ảnh gửi cháu xem sao. Đồ của bác hồi đó cũng khá đắt, mà giờ toàn để cho con dâu cắt ra lấy vải đi khâu cái khác.
– Bác Tom, cháu muốn sang Mỹ năm nay. Bởi vì bà Cora Weiss (một người bạn chung của ông nội nàng và bố Tom) đã già lắm. Với lại, năm nay cháu không nuôi nhân viên để cháu được tự do đi lại.
– Ừm, cháu qua đi. Vợ chồng bà ấy đúng là sống dai thật. Chứ như bác, bác xác định bảy năm nữa có khi ngỏm.

Nghe đến đấy, mắt nàng sáng rực.

– Bác Tom, bác thấy đó, bác có thể không sống được bao lâu nữa. Mà bác còn ối việc cần làm ở Việt Nam. Vậy nên bác cần một cánh tay nối dài ở đây. Bác tuyển cháu làm trợ lý của bác đi! Cháu chỉ cần một lý do làm động lực để cháu đi khắp Việt Nam này!

Ông lão người Mỹ chưa kịp trả lời thì tất cả các viễn cảnh đã xảy ra nhanh như chớp trong chiếc não lãng mạn của nàng, rằng nàng sẽ đi khai quật kỷ vật của binh lính thời chiến, sẽ liên hệ với các bảo tàng, sẽ tìm đến những nhân vật lịch sử (hoặc hậu duệ của họ), đi tìm mộ liệt sĩ, đi đào mìn…

– Cái đấy bác chưa biết – Tom cắt ngang mạch tưởng tượng của nàng khi nàng đang thấy mình ngồi cưa một quả mìn rất to. Nhưng hiện tại cháu có thể giúp bác một điều này. Đấy là gọi cho Viettel hỏi hộ bác về cái đầu số thuê bao mà bác đang dùng đây…

“Âu thì cũng là một sự khởi đầu!” – nàng tự nhủ.