Mười tám.

Lần này, nàng vinh dự được góp bút trong môt cuốn sách mới. Cuốn sách về cụ Đỗ Xuân Oanh, ông nội nàng. Đây là dự án thế kỷ của bố nàng, có vẻ như là một trong vài dự định lớn nhất của ông sau khi nghỉ hưu.

Năm ngoái, khi ông tưởng mình ung thư, có vẻ ông đã dành nhiều đêm cố gắng viết cho nốt những gì còn sót lại. Bởi trước đó vài năm, anh cả của ông đã từng nung nấu và viết lách về cụ, nhưng sách chưa kịp thành hình thì ông ấy đã ra đi cũng vì chứng bệnh quái ác ấy.

Tuy không am hiểu về quá trình hoạt động ông nội mình, nàng vẫn đã từng chứng kiến một nhân vật Đỗ Xuân Oanh, nhân vật ấy của nàng rất khác biệt so với nhà ngoại giao nhân dân – nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh của những tác giả khác trong cuốn sách.

Dưới đây, nàng mời bạn đọc cùng cảm nhận ngôi nhà đầu đời của nàng, tuổi thơ của nàng, và ông nội của nàng:

—-

“CHÁU GÁI THÂN MẾN CỦA ÔNG…”

Đỗ Anh Thư

“Cánh chim mùa Xuân thổn thức gọi Thu
Nay đã tìm được mùa Thu vĩnh cửu
Sao lại bay đi cho mùa Xuân dang dở?”

Sau khi đám tang ông nội diễn ra tròn trịa, Thư viết một bài thơ ba dòng về ông nội mình, người được đặt tên theo một cánh chim Xuân, và đã sáng tác một bài hát tên “Gọi Thu” mà cô yêu thích. Ông nội cô, cố nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh, mất vào một ngày đầu Xuân của năm 2010.

Cô gái hai mươi ba tuổi vào hồi ấy được cả nhà bố trí sống quanh quẩn trong căn nhà của ông bà nội cô trong mấy năm sau đó. Căn nhà này nguyên thủy là hầm rượu của một căn biệt thự Pháp cổ, nó khiêm tốn nằm sâu trong một chiếc ngõ nhỏ ở Quán Sứ, một con phố cổ Hà Nội. Chính nơi ấy, ông bà cô đã chuyển vào những ngày còn son trẻ. Họ hoạt động cách mạng, lao động mưu sinh, và sinh hạ được ba người con trai, là hai bác và bố cô. Cũng nơi ấy, bố mẹ cô đã sinh ra cô, và cô cũng lớn lên và sinh con gái đầu lòng tại đây. Căn nhà ấy cho đến nay là nơi gắn họ với nguồn cội, và với nhau. Cả nhà gọi căn nhà đó đơn giản là “Quán Sứ”.

Một ngày nọ, không lâu sau khi ông nội mất, trong lúc ngồi thừ ra ở “Quán Sứ”, Thư tò mò mở máy tính của cụ ra xem. Có một vài email chuyển đến, của bà Judy Gumbo. “Anh dạo này thế nào, sao không hồi âm email của em?” – nội dung bức email dường như là như vậy. Cô dùng hòm thư của ông và trả lời: “Cháu là Thư – cháu nội của ông Xuân Oanh. Ông cháu đã mất”. Cô không biết rằng, từ ngày ấy, cô đã được “thừa kế” thêm một mối quan hệ thân thiết của ông nội.

***

“Đây là cháu gái tôi, nó sáng tạo lắm, nó có một cửa hàng bán đồ hip-pi !” – vào những năm cuối đời, cụ Xuân Oanh hay khoe với những người bạn già về cô cháu gái với lời lẽ như vậy. Thư khoái chí lắm, và biết ơn ông nội rất nhiều, bởi vì trong đời cô, cụ chính là người đã tự hào nhất về cô. Cụ Xuân Oanh dường như tự hào về cô từ trước khi cụ biết cô lớn lên sẽ thành người như thế nào. Bởi từ khi cô mới có vài tuổi đầu, thì những tập tiểu thuyết mà cụ dịch, cụ đã lấy bút danh là “Anh Thư”, theo tên của cô: Thư đã trở thành một dịch giả từ khi cô chưa biết chữ. Cụ đặc biệt tự hào khi cô mở ra tiệm quần áo “Chắp Vá” đó. “Ông cũng có một bà bạn người Mỹ, là dân hip-pi chính hiệu, bà ấy đẹp lắm!” – Cụ Xuân Oanh nhìn xa xăm, mơ màng đến người bạn gái Mỹ tên Judy của mình. Sau đó cụ dẫn cô cháu gái đi bộ quanh Hồ Gươm, vừa đi vừa huýt sáo như thể cụ vẫn là một chàng trai trẻ.

Người bạn gái ấy của cụ sau này đã trở thành một người bạn qua thư của cô. Viết email qua lại với nhau đến chín năm thì bà Judy cũng sang Việt Nam được một lần. Cả nhà Thư đón tiếp bà nồng hậu. Bà Judy vui lắm, chuyện trò suốt mấy ngày trời. Không chỉ cô, mà tất cả mọi người trong nhà đều trân trọng những tình bạn của ông nội. Trong mắt cô, ông nội là một người hùng, là người có trí tuệ cao siêu và tâm hồn đẹp. Bất cứ người phụ nữ nào ông yêu thương hẳn phải là một nhân cách tốt, có tài, và có những câu chuyện sâu sắc. Người như thế, không trân trọng sao được!

Bà Judy trở về Mỹ, và thay cụ Xuân Oanh để gửi thư cho cô thường xuyên. Cô cũng gọi bà Judy là “Grandma Judy”, coi bà như là một người bà nội nữa của mình.

***

Thư không biết nhiều về lịch sử của ông nội mình. Người lớn trong nhà ít khi kể cho cô nghe. Ban đầu thì cô nghĩ rằng họ khiêm tốn. Nhưng nay, cô thấy họ không chỉ như vậy, mà cơ bản họ đang hết sức tập trung cho những dự án tiếp theo hơn là kể đi kể lại những gì đã xảy ra. Ông nội cô vốn là người sáng tạo, cụ thích những gì mới. Cụ thích độ tivi, độ dàn âm thanh, độ điện thoại. Giá như cụ còn sống thêm, chắc hẳn giờ cụ đã sở hữu điện thoại đời mới nhất! Một hôm nọ, gần đến ngày Mười chín tháng Tám, có một phóng viên đến gõ cửa. Cụ mở cửa ngó ra. “Cháu chào ông, cháu là phóng viên của…” – nghe đến đấy, cụ lặng lẽ từ chối rồi đóng cửa lại và vào nhà dịch sách tiếp. Cụ còn đang dở cuốn tiểu thuyết chưa dịch xong, lấy đâu ra thời gian kể chuyện quá khứ!

Vì thế, vào một buổi tối tháng 3 năm 2023, hôm ông Tom Wilber đến Việt Nam để gặp con cháu của cố nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh, thì cô im như thóc vì không biết phải tiếp chuyện như thế nào.

Tom Wilber là con trai của một phi công Mỹ đã bị bắn hạ trong chiến tranh Việt Nam chống Mỹ. Cụ Gene Walter Wilber, bố của ông Tom, thời đó đã lên tiếng mạnh mẽ rằng tù nhân Mỹ đã được chính phủ Việt Nam đối xử tử tế. Cụ Xuân Oanh (hồi ấy làm công tác ngoại giao với tù binh Mỹ trong nhà tù Hoả Lò) đã góp phần tạo ra thiện cảm tốt đẹp này của cụ Gene.

Ông Tom Wilber đã dành hơn chín năm nay để quay trở lại Việt Nam những bốn mươi lần. Ông lần mò tìm đến các dấu tích mà bố mình để lại trên đất Việt, rồi tìm cả manh mối về đồng đội của bố mình, của những chiến sĩ Việt Nam đã bắn hạ bố mình, và ông cũng tìm được ra cụ Xuân Oanh và con cháu của cụ.

Ông Tom không nề hà gì vốn hiểu biết hạn chế của Thư về lịch sử gia đình. Ông dành thời gian để tìm hiểu về cuộc sống và tư tưởng của cô.

“Cháu nghĩ hầu hết những gì cháu có hiện nay đã được sắp đặt từ lâu bởi ông nội!”, Thư từ tốn nói với ông Tom. “Bác biết không, ông nội đã sớm dạy những ý niệm triết học cho cháu từ hồi cháu bé. Nếu không phải chính cháu trải qua, thì cháu sẽ không bao giờ tin rằng người ta có thể dạy được những điều ấy cho trẻ con!”.

“Cháu ví dụ xem nào?” Ông Tom có vẻ ngạc nhiên.

“Cháu nhớ rất rõ một câu này: ‘Dĩ bất biến ứng vạn biến’. Đấy không phải là một câu thuần Việt. Gần đây cháu tìm hiểu thì thấy đây là tư tưởng của cụ Hồ. Hồi ông cháu nói cái này, cháu còn chưa biết chữ cơ, nói gì đến hiểu một câu Hán Việt như thế. Câu này có nghĩa là ‘lấy cái không thay đổi để ứng phó với mọi thứ đang thay đổi xung quanh’. Có thể câu này mỗi người sẽ hiểu theo cách khác nhau. Còn cháu thì dùng nó để phát triển một phong cách sống tối giản. Cháu thấy càng đơn giản thì càng linh hoạt. Ông nội cháu còn dạy nhiều câu nữa, cháu vẫn nhớ, nhưng đến nay cháu vẫn chưa hiểu.

Thư vừa nói với ông Tom, vừa thấy ông nội đúng là đã có một tầm ảnh hưởng lớn lao đến cô như thế nào. Ký ức của cô hồi bé chủ yếu là về ông nội: cụ cười thế nào, cáu giận ra sao; cụ ngồi thu lu trong một góc như thế nào khi bà nội cô mất, cụ mơ mộng khi huýt sáo trên đường. Cô nhớ như in cách cụ khoác áo, đội chiếc mũ lưỡi trai, xức nước hoa rất đỏm dáng và kéo cửa xếp để ra đường chơi. Với Thư, tiếng kéo cửa của ông nội gắn liền với niềm vui, bởi ông ra ngoài tức là ông đi chơi, còn ông về thì có thể mang cho Thư một món quà gì đó. Có lần Thư đang chơi ở nhà hàng xóm, ông nội mua về cho một túi quà, nói “ông mua cho Thư năm con rùa này!”. Thư mở ra xem, thì ở trong là năm con búp bê nhỏ. Sau này cô đi Ấn Độ, hay đi Mỹ, cô vẫn mang búp bê này theo. Chiếc cửa sắt ấy nhà Thư vẫn giữ lại khi trùng tu “Quán Sứ” để biến nó thành “bảo tàng” gia đình, tưởng nhớ đến hai cụ Xuân Oanh và Xuân Uyên. Mỗi lần về “Quán Sứ”, kéo chiếc cửa xếp, nghe nó reo lên vì vui sướng, cô nghĩ rằng nó cũng chờ ông nội đi chơi về.

Có nhiều bận, cụ dắt cô ra hiệu sách ở Hàng Bông, hai ông cháu đảo quanh cửa hàng, ông thì mua kiếm hiệp Kim Dung, cháu thì được ông mua cho năm mười cuốn truyện. Ông dắt đứa cháu ra hiệu sách thường xuyên đến nỗi cho đến giờ cô dường như vẫn còn nhớ mùi của cái hiệu sách đó. Từ khi cô được học chữ, chả mấy chốc mà ông đã mua cho cô đến hai tủ sách. Đọc sách xong xuôi, cô sẽ chui sang phòng ông xem phim kiếm hiệp. Cô lại cũng “cầy chưởng” nhiều đến độ, thời ấy diễn viên đóng “các vị nam tử Hán” có vẻ thiếu ăn, cho nên họ gầy và ẻo lả. Cô xem nhiều quá, nên sau này cứ nhìn anh nào trông phải thiếu dinh dưỡng thì cô mới thấy hợp gu.

Tuổi thơ của cô thật trù phú vì có ông nội.

***

Cụ Xuân Oanh về già cũng trở nên cáu kỉnh và khó tính, như nhiều cụ già khác. Thế nhưng cụ không bao giờ cáu kỉnh với Thư. À không, dường như có một lần duy nhất. Hồi ấy cô đang học đại học. Cô đến nhà ông nội chơi. Chẳng hiểu có chuyện gì xảy ra, nhưng đột nhiên ông buột miệng gọi cô là “mày”. Thế là hai hàng nước mắt của Thư ứa ra và miệng bắt đầu ngoạc ra ăn vạ. Cụ Xuân Oanh lúc đấy bắt đầu hoảng hốt, miệng lắp bắp: “Ơ ông… ông… có nói gì đâu!” Nói đoạn, cụ chui tọt vào bếp và nấu món mì ý kiểu Tây để làm lành với đứa cháu gái.

Vào đại học, Thư chọn ngành tiếng Pháp. Kể từ đó, cụ Xuân Oanh hành thêm một nghề: đó là nghề phụ đạo tiếng Pháp cho đứa cháu. Ông cháu cô từ đó không chỉ gửi email qua lại bằng tiếng Anh, mà còn cả tiếng Pháp nữa (email tiếng Pháp toàn là cụ viết, chứ cháu cụ cho đến giờ vẫn không soạn được nổi một bức thư Tây). Cứ một hai tuần Thư lại qua nhà ông nội nhờ cụ in tài liệu học tập và chỉ dạy cho mấy đường. Cụ vui lắm, khi cô đến mà đúng lúc cụ đang tiếp khách, cụ sẽ phấn khởi khoe với cú pháp đầy đủ là: “Đây là cháu nội tôi, nó có cửa hàng quần áo hip-pi, biết cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp”. Cụ hào hứng như thể đứa cháu này sở hữu được một vài nét gene căn bản của cụ.

Trong nhà Thư, các thế hệ đi trước thành công đều là do tự học mà nên. Cô cũng vậy. Học đại học xong, cô quyết định làm trái ngành, cũng không đi làm việc Nhà nước như bố mẹ cô định hướng, mà cô tự tìm đường kinh doanh. Bố mẹ cô rất lo lắng bởi trong nhà mọi người chủ yếu đi làm công chức cả. Bố mẹ cô không có kiến thức gì về kinh doanh để có thể mở đường cho cô. Cụ Xuân Oanh thì ủng hộ. Một ngày nọ, vài tháng trước khi mất, cụ bắn một bức email từ Việt Nam sang New York gửi cháu mình. Trong thư, cụ nói: “Thư yêu quý nhất của ông […] Ông hy vọng ngày nào đó cháu sẽ trở thành một nữ doanh nhân sáng láng khắp trong và ngoài nước để mang vinh quang và hạnh phúc đến gia đình”. Vì những câu nói này, dù là lĩnh vực mà cô không được đào tạo bài bản, Thư cũng noi gương ông, các bác, và bố mình. Cô cũng đạt những thành tựu riêng trong công việc, và cũng đã cố gắng bơi ra thị trường quốc tế. Cô cũng xuất bản vài đầu sách về ngành của mình; sách của cô cũng được mua bản quyền tại Hàn Quốc và Thái Lan. Vào lúc này, khi đọc lại email của ông nội, cô cũng cảm thấy ít nhất cũng đã làm được một phần nhỏ những gì cụ mong ước.

Khi bệnh tình đã trở nên rất nặng, có vẻ như có một ngày, cụ tự thấy mình không còn sống được bao lâu. Cụ đánh điện cho cháu gái, viết những câu tưởng chừng như trăng trối. “Thư thân mến nhất của ông: bệnh tình ông khiến tai ông dường như điếc, nên ông không còn nghe được chuông điện thoại theo cách thông thường nữa. Cháu tốt nhất nên email ông bất cứ khi nào có thể. Hãy biết rằng ông luôn nhớ trong đầu người cháu thân yêu của ông, mặc dù bất cứ thay đổi nào có thể xảy đến. Ông chúc cháu thành công trong mọi công việc mà cháu thích. Có thể một ngày nào đó trong tương lai, cháu sẽ muốn tạo ra một cuốn sách nói, kể về người ông này, người đã có cuộc sống và các hoạt động đã truyền cho cháu chút nào cảm hứng, cháu có nghĩ vậy không? Yêu cháu nhiều, ông nội Xuân Oanh”.

***

“Thư nhìn cái bát này nhé, tưởng tượng cháu là cái đầu đũa này và đứng ở một điểm trên miệng bát. Nếu cháu đi thẳng tắp theo cái miệng bát này, thì cháu lại quay về điểm xuất phát, thấy không?”

Vào một buổi tối nọ, đầu những năm 1990, cụ Xuân Oanh cầm một trong những cái bát ăn cơm đầu tiên của thời kỳ Đổi mới, dạy một điều gì đó xem chừng rất triết học cho đứa cháu gái còn chưa được xóa nạn mù chữ của mình. Đứa trẻ hồi đó còn chưa đủ lập luận để cãi bằng được rằng miệng cái bát, với nó, phải là hình tròn chứ không phải đường thẳng.

“Đấy, dù có đi xa thế nào đi nữa, chúng ta luôn trở lại!” – cụ kết luận. Những lời răn dạy của cụ Xuân Oanh luôn súc tích và trừu tượng, nhưng lại có sức nặng đủ để ám ảnh một đứa trẻ suốt hành trình lớn lên của nó.

Và vạch xuất phát ấy đã trở lại. Khi bố Thư bắt đầu sưu tầm các bài viết về cụ Xuân Oanh và nhắn cô góp một phần nhỏ trong cuốn sách này, cô biết rằng đây là lúc cô được trở về điểm xuất phát của cô, còn bố cô cũng được trở về điểm xuất phát của ông ấy. Dù cách nhau cả một thế hệ, nhưng họ đều được quay về với tình yêu thương của ông bà, và trở về nơi họ được sinh ra. Hôm nay, cô kéo cửa xếp bước vào căn nhà khiêm tốn trong ngõ nhỏ ở phố Quán Sứ và bắt đầu viết bài viết này.

Bài viết và ảnh gốc tại đây