Mười chín.

– Bác xong việc hôm nay rồi!

Ông Tom Wilber nhắn cho Thư qua zalo vào lúc 6 giờ tối. Ông lão đang trải qua những ngày “lao động công ích” cật lực, từ sáng đến khuya.

Còn cháu thì mới chuẩn bị làm việc đây!

Nàng trả lời ông Tom. Nàng vừa dành cả buổi sáng “lao động công ích” cùng ông, và buổi chiều nàng qua spa của bạn để thử một liệu trình mới. Nàng đang chuẩn bị ăn tối rồi vào việc cho /li:st/, nhãn hàng mỹ phẩm của nàng. Nàng bắt đầu cảm thấy nợ nhiều việc cho /li:st/

– Đừng quên nghỉ ngơi nhé! – ông Tom nhắn nhủ – Hôm nay cháu đã là một người chủ sự kiện kỳ diệu cho tập thể người đa dạng. Đấy là một trải nghiệm tuyệt vời cho bác! Cảm ơn cháu đã mời bác đến!
– Wow, bác khen cháu quá lời rồi! Cháu không nghĩ cháu hiếu khách lắm đâu. Cháu luôn nghĩ cháu đã có thể làm tốt hơn nữa! […]
– Bác đã quan sát cháu và các tương tác của cháu cả sáng nay. Cháu vừa mạnh mẽ vừa đáng mến. Một combo xịn, trong suy nghĩ của bác!

Lời khen của ông Tom làm Thư xúc động. Nàng thấy ấm lòng một phần, còn phần còn lại thì nàng thấy thêm phần yêu mến ông lão người Mỹ, ông ấy gần bảy mươi đến nơi nhưng vẫn không ngừng tò mò và quan sát những điều xung quanh. Nàng muốn về già vẫn còn giữ được sự tò mò và tâm thế hớn hở như cụ già này.

Nàng bắt đầu nhớ lại những điều đã xảy ra sáng nay.

—-

Sáng nay, nàng đến Lenid Hotel chậm mười lăm phút so với giờ hẹn. Trời mưa, hơi lạnh và đúng lúc tắc đường. Ông Tom mặc áo hoa hoét kiểu Hawaii, phấn khởi chạy xuống đón. Hai bác cháu ôm chầm lấy nhau.

– Trông bác lần này sao khác vậy! – nàng thốt lên
– À bác phải để tóc dài ra chút, để che đi vết ung thư da trên đầu!
– Ủa bác bị ung thư da ạ? Có lâu chưa bác? Có nguy hiểm chết người không bác? – nàng ngạc nhiên. Nàng cũng làm ngành về da, mà trước nay chỉ nghe đến chứ chưa bao giờ gặp một người nào mắc ung thư da cả.
– Trước bác từng bị nhưng trị hết, giờ nó mọc lại. Bác sĩ của bác phát hiện ra chỉ mấy ngày trước khi bác qua Việt Nam. Loại này của bác hình như chết người đấy. Bác có một ông bạn cũng mắc đúng loại này, ổng mắc cái này được một năm là ngỏm đấy!
– Chị ơi em hai bát cháo sườn! – nàng gọi, nói đoạn quay sang ông Tom – Ơ kiểu này cháu phải qua Mỹ năm nay rồi, nhỡ năm sau cháu qua thì bác “đi” mất rồi thì làm thế nào nhỉ – nàng thắc mắc.
– Ừ, cháu qua năm nay đi, kẻo bác cũng “đi” thật ý chứ – ông Tom cười duyên dáng.

Từ khi ông nội nàng mất và nàng gặp nhiều chuyện không hay, Thư không còn sợ khi nghĩ đến cái chết. Với nàng, đó cũng là một sự kiện lớn của đời người, tương tự như khi họ được sinh ra và khi họ sinh con. Chẳng qua, nó chỉ là sự kiện quan trọng cuối cùng mà thôi. Những năm gần đây, nàng bắt đầu hiểu cảm giác của những cụ già tích cóp để lo hậu sự cho chính mình. Nàng rất thích các nghi lễ, nên thi thoảng nàng cũng mơ tưởng về một thủ tục trước khi chết hoành tráng. Còn chết rồi, hậu sự thế nào thì nàng không quá quan tâm.

Ông Tom cũng không sợ chết. Trước kia ông còn học Thạc sĩ ngành Thần học, tí nữa thì được làm một vai trò gì đó tương đương với linh mục (mà vì nàng không am tường tôn giáo nên ông nói gì nàng đã quên mất). Chắc học đến đấy rồi thì cái chết với ông cũng nhẹ nhàng hơn.

Không sợ chết, không có nghĩa là họ không biết buồn. Thư mới quen ông Tom chưa được bao lâu, và ở ông Tom nàng cảm nhận được một nguồn năng lượng thân thương gợi nhắc đến cụ Xuân Oanh, ông nội nàng. Những lời nhắn thân mến của ông Tom khiến nàng một lần nữa thấy mình đang có một người ông. Về phía ông Tom, hẳn ông cũng buồn chứ, nhất là khi ông còn những việc đang dang dở.

Lần về Việt Nam này, ông tìm được một nhân vật mới. Đấy là người đã nấu cơm cho cụ Gene Wilber, bố ông, khi cụ bị bắn hạ và mang vào trói tại một nhà dân. (Bạn có thể biết thêm câu chuyện về cụ Gene trong một bài Journey to Herself trước).

– Bố bác có kể rằng hồi đó bị bắn rơi, bố bác ngã xuống ở một đồng cỏ, xong bị đánh, rồi kéo vào nhà một người dân và bị trói vào cột. Vậy mà một ai đó đã cho bố bác một bữa ăn nóng hổi nhé! Lần này bác tìm được nhà đấy. Hôm qua bác và đoàn VTV đến Nghệ An tìm được gia đình đấy, bác gặp bà này (nói đoạn, ông chỉ vào điện thoại cho nàng xem). Bác không hề nói với bà ấy là bố bác đã kể cho bác điều gì. Nhưng điều bà ấy kể rất khớp với chuyện bố bác kể. Bà ấy nói người ta trói bố bác vào cái cột nhà bà ấy, rồi bà ấy nấu cơm cho bố bác ăn. Bố bác ăn cơm xong còn được bà ấy cho ăn mứt nữa!

Dường như lần nào về Việt Nam, ông Tom cũng tìm ra được một manh mối mới. Ông kể với khuôn mặt phấn khích tột cùng. Nàng vừa nghe vừa nghĩ, ông ấy còn bao nhiêu việc cần phải làm trước khi ra đi; làm sao để giúp ông ấy thực hiện được nhanh hơn nhỉ?

Hai bác cháu ăn sáng xong xuôi thì bắt đầu tiến tới Hoả Lò. Ông Tom mấy lần về Việt Nam đều ở khách sạn Lenid, nó ngay đối diện Tháp Hà Nội – cạnh di tích nhà tù Hoả Lò. Lần này nàng mới phát hiện rằng ông không chỉ chọn vì nó gần Hoả Lò. Di tích nhà tù Hoả Lò hiện tại chỉ bằng một phần nhỏ của nhà tù Hoà Lò cũ. Hai toà Tháp Hà Nội và một phần rộng lớn bao quanh cũng từng là một phần của nhà tù. Nơi cụ Gene Walter bị giam nay đã trở thành Tháp Hà Nội. Ông Tom thuê khách sạn Leonid Thợ Nhuộm vì nó nhìn thẳng vào nơi đã từng là phòng giam của cụ Gene.

Lần về Việt Nam này của ông Tom chủ yếu là để quay cho một phim tài liệu của VTV4 (cũng chính là “cơ quan cũ” của nàng). Họ dự định đặt tên phim là “My Father’s choice” (Lựa chọn của Cha tôi). Bởi cụ Gene và các tù binh chiến tranh Mỹ đã được chính phủ Mỹ vận động để nói sai sự thật về cách họ được đối xử ở Việt Nam. Nhưng vượt qua khó khăn, cụ Gene vẫn chọn cách nói đúng sự thật, rằng cụ và đồng đội đã được đối xử nhân đạo. Ông nội nàng chính là một trong nhiều cán bộ đã thi hành chính sách đối xử nhân đạo của ta. Cụ Xuân Oanh không chỉ thực thi do chính sách, mà cụ luôn đối xử với những người khác bằng trái tim nhân hậu của mình. Điều này bố nàng sau này vẫn thi thoảng nhắc nàng như một lời răn dạy: “đối xử với quân địch như đối xử với bằng hữu”. Và ở bên kia bán cầu, bà Judy, bạn gái Mỹ của ông nàng, cũng thi thoảng nói với nàng như vậy. Ông nàng đã cảm hoá được nhiều binh lính và nhiều người dân ở bên kia chiến tuyến, bằng tình yêu bao la của cụ.

Hôm nay, ông Tom không làm việc với VTV. Ông dành cả buổi sáng để giúp trả lời phỏng vấn cho dự án gia đình của nàng – dự án làm phim tài liệu về cụ Xuân Oanh.

Nàng những tưởng bố nàng sẽ xuất hiện để xử lý các công tác quay phim, nhưng không. Ông có một công chuyện khác. Vậy là nàng (vốn không biết gì về dự án phim tài liệu của bố và tưởng chỉ qua để phiên dịch hộ cho ông Tom) bất đắc dĩ trở thành trưởng đoàn. Nàng không ngại việc xử lý một đoàn làm tin, vì nàng cũng đã kinh qua việc làm phóng viên bản tin thời sự. Thế nhưng làm trưởng đoàn của một nhóm từ đạo diễn, quay phim lẫn nhân vật phỏng vấn đều là các cụ già cả, cụ thì ung thư, cụ thì đi lại run rẩy, cụ thì thều thào không ra hơi, thì đây là lần đầu. (Cũng còn may, cụ quay phim không mắc bệnh run tay). Tác nghiệp cùng các bô lão khiến nàng tưởng tượng nàng như thể Alice in Wonderland, hoặc Wizard of Oz. Nàng thì luôn thích phong cách phim tài liệu hiện đại của phương Tây, thoáng nhìn thấy đoàn này nàng biết là sản phẩm ra lò chắc không hợp gu nàng rồi, nhưng thôi bố nàng bảo sao thì nàng nghe vậy. Cứ được đi cùng các cụ hôm nay là nàng đã thấy vui lắm.

– Bác Tom, bác chờ ở đây để cháu mua vé nhé!
– Không cần mua, để bác bảo kê!

Nói đoạn, ông Tom dũng mãnh tiến vào tù. Cán bộ nhà tù dạt sang hai bên (đoạn này hơi hư cấu nhe các bạn, cho kịch tính), cúi người cười tươi chào ông. Hẳn ông ấy là VIP của Hoả Lò. Một chị phụ trách phòng Tù binh Mỹ của nhà tù hay tin, cũng chạy xuống đón bác.

– Bác được cô ấy bảo là: “Bố bác đã mua vé cho bác vào đây cả đời rồi!” – ông Tom nói nhỏ.
– Bố bác quả thật hào phóng đấy! – nàng kinh ngạc – Bà nội cháu cũng bị nhốt ở đây mà bà cháu không bao vé cho cháu! Cháu vào đây suốt, lần nào cũng mất tiền!