Hai mốt.

Cô Thuỷ kê cho Thư một vài chai thuốc đại tràng và dạ dày. Đây là kết quả của chuỗi ngày lo lắng cho chuyến đi du lịch sắp tới. Nàng sẽ đi với một ngân sách hạn hẹp, điều này đã kích hoạt tính tiểu tiết và năng lực lên kế hoạch kỹ lưỡng đến từng phút của nàng. Nước máy ở các thành phố/thị trấn đó có uống được không? Một bữa sandwich kẹp trứng và cà chua tự làm, cộng một quả chuối thì giá là bao nhiêu? Nếu thuê xe đạp và đạp từ Berkeley đếm San Francisco thì mất bao lâu và bao nhiêu tiền? Vậy đi xe bus thì sao? Các quán ăn giá rẻ nào sẽ có ở những thành phố đó?

Có những tour đi bộ miễn phí nào tại San Francisco? Mỗi tour sẽ nói về một góc lịch sử của thành phố giàu văn hoá này. Nàng sẽ chọn tour âm nhạc, hay tour trở lại thời “cơn sốt đào vàng” của California, hay tour lịch sử xe hoả, hay tour kiến trúc? Nàng lại đọc từng tour và gần như cày hết cả thông tin về thành phố này trước khi đưa ra quyết định.

Những bảo tàng nào hay ở New York? Chúng miễn phí cho khách tham quan vào ngày nào trong tuần? Kịch Hamilton ở Broadway mở ngày nào và có giá bao nhiêu?

Thuê nhà nghỉ ở Mỹ sẽ mất khoảng bảy chục đến một trăm đô mỗi đêm là rẻ rúng nhất. Vậy nên chắc chắn nàng sẽ dùng Couchsurfing để ở nhờ miễn phí, như hồi nàng đi Bali. Thế nhưng nhiều người đã doạ dẫm nàng rằng Mỹ là nơi quá nguy hiểm để ở nhờ nhà hay đi nhờ xe. Nước Mỹ không còn an toàn như trước nữa. Bây giờ thì dường như mọi người ai nấy đều có súng trong nhà, và trong ô tô cả. Thế nhưng nàng không có giải pháp nào ngoài việc đi ở nhờ hết. Ít nhất thì một nửa thời gian ở Mỹ, nàng sẽ ở tại nhà của Ted – bạn trai hiện tại của nàng, hoặc của bà Judy – bạn gái cũ của ông nội.

Chính vì vậy, công cuộc tìm người cho ở nhờ của nàng trở nên vất vả hơn nhiều. Không chỉ tìm một người cho ở mỗi thành phố, mà nàng còn phải tìm cả phương án B và C trong trường hợp nàng phát hiện người đầu tiên có ý đồ không lành mạnh cho lắm. Nàng đọc profile của họ, đọc profile của cả những người đã từng ở nhờ nhà họ, dành thời gian nói chuyện và add họ trên nhiều nền tảng khác nhau để cảm nhận họ là người thế nào… chính vì những lo lắng quá đà như thế, nàng phát ốm và phải đi tìm đến cô Thuỷ, thầy thuốc đông y của nàng. Kết quả: nàng vừa bị tiền đình, vừa dạ dày, lại cả đại tràng nữa.

– Dở hơi chưa Thư! – nàng tự nhủ – cứ lo tiết kiệm từng đồng ở Mỹ đi, bây giờ còn chưa đi mà đã mất một triệu vì kế hoạch cho lắm vào nhé!

Thế nhưng, công cuộc săn lùng nơi ở kỹ lưỡng trên Couchsurfing lại khiến cho nàng gặt hái được những cơ hội không tưởng. Chẳng hạn như một cô cựu diễn viên Hollywood đồng ý cho nàng ở nhờ, hay là một nhóm nghệ sĩ trẻ đồng ý để nàng cùng ở với họ – với điều kiện nàng phải để họ phỏng vấn và đăng tải về nàng trên kênh instagram của họ. Rồi là Sid – một đại sứ Couchsurfing kiêm nhà hoạt động xã hội và instagram influencer – đã chủ động liên hệ với nàng, ngỏ ý cho nàng ở ké rồi tiện thể “kèm cặp” nàng xây kênh instagram kiếm chút tiền tiêu vặt. “Kênh của tớ dù không phải là nghề fulltime nhưng tớ cũng kiếm được mươi đến mười lăm nghìn đô la mỗi tháng”, Sid nói.

Và màu nhiệm nhất là bác Mark. Khi thấy Thư đăng tải về chuyến đi sắp tới ở DC, bác đã chủ động liên hệ cho nàng ở nhờ. “Chào cháu”, bác bắt đầu, “bác ở trong DC và là một nhà báo. Nhà bác ở cạnh bến tàu điện ngầm Van Ness UDC, nếu cháu cần chỗ ở thì có thể qua bác nhé!”

– Cháu chào bác ạ, sáng nay cháu ngủ dậy, đọc tin nhắn của bác mà cháu thấy thật hỗn độn. Gia đình cháu cũng làm báo, và hồi bé nhà cháu ở ngay gần nhà bác bây giờ. Nhà cháu ở chung cư Van Ness building, 3003 phố Van Ness
– Chà, đó chính xác là khu nhà của bác đấy!

Washington DC là một thành phố lớn. Thư không thể tưởng tượng một sự trùng hợp kỳ lạ đến vậy xảy ra trong đời mình. Cứ như thể Vũ trụ đang nói rằng hành trình trở về DC của nàng chính là đã được an bài bởi Thượng đế, chỉ cần nàng cố trong phần của nàng là được. Nàng sẽ được lại đi từ nhà đến trường, được ngồi hàng giờ ở thư viện – nhớ về báo Peanut Butter and Jelly Journal ngày xưa, được đứng tần ngần ở siêu thị CVS cạnh nhà và nhìn vào những đứa trẻ cấp hai dạo qua lại để nhớ về bản thân mình hồi trước. Nàng nhìn trên google map: trường trung học vẫn ở đó, trường tiểu học của Huyền và Trang vẫn đó, trường cấp 3 mà suýt nữa nàng được học nay đã đổi tên. Thư viện vẫn ở đó. CVS và Giant vẫn đó. Cửa hàng Office Depot đã biến mất. Và những chú đom đóm ở hàng bụi rậm trước nhà, chúng liệu có còn ở đó hay không?

Từ ngày rời Mỹ, nàng đã bị gắn mác “con Mỹ Tho” ở trường cấp 3 của nàng tại Hà Nội. Bởi trái với tưởng tượng của chúng bạn, nàng là một đứa trẻ ngờ nghệch, nhút nhát, xấu xí, và dè sẻn. Người ta sẽ không hình dung được tuổi thơ của nàng như thế nào nếu họ không cùng trải qua. Họ sẽ không hiểu rằng một trong những sân chơi yêu thích của nàng hồi đó là phòng rác của chung cư toà nhà, bởi thi thoảng nàng sẽ bới ra được một cái gì đó thật là giá trị. Kiểu tuổi thơ đó khiến nàng lạc lõng, bất kể nàng ở Mỹ hay Việt Nam.

Có gần hai năm trời, đứa trẻ đó đứng nhìn những thỏi son tuổi teen trong siêu thị CVS. Mỗi thỏi son có giá từ một đô rưỡi đến ba đô sáu mươi chín cent. Đứa trẻ thèm thuồng nhìn những hàng son này. Cảm giác túng thiếu khiến cho nó ghim sâu vào tim rằng bao giờ nó lớn, nó sẽ mua chúng về để bán tại Việt Nam.

Những hãng son này giờ đây không còn nữa. Nhưng cũng không sao, đứa trẻ đó lớn lên đã tự làm son được. Nó đã trở thành người tạo ra trào lưu tự làm mỹ phẩm ở Việt Nam, và viết những cuốn sách làm mỹ phẩm và làm đẹp, bán tại Việt Nam và một vài nước Châu Á.

Năm nay, nàng sẽ trở lại CVS, đứng bên cạnh đứa trẻ đó và nói: “Thư ơi, em nhìn xem, chúng mình đã làm được! Chúng mình sẽ làm được mọi thứ, bất kể giàu hay nghèo!”

—-

Chuyến đi của nàng chưa diễn ra. Mỗi ngày nàng đều nơm nớp rằng sẽ có tình huống nào đó xảy ra ngăn cản hành trình về Mỹ. Nhưng nàng biết rằng, ngay trong những ngày này, nàng vẫn đang hạnh phúc vì tình cảm và cơ hội của những người thân yêu và những người xa lạ đã ban cho nàng.

Vì biết ơn, nên nàng đã làm sẵn một số món quà Việt Nam gửi tặng họ.