Hai tư.

Chuyến xe bus bình dân Greyhound đưa Ted và Thư từ Humbolt ra thành phố Oakland trong sáng thứ Bảy đầu tiên của tháng Chín. “Oakland!”, Ted thở phào, “Anh luôn yêu thích thành phố này! Em nhìn kìa, những mảng tường graffiti đầy màu sắc, bụi bặm như Brooklyn và không chải chuốt như San Francisco.” Vậy là cuối cùng họ cũng đã “lên phố”.

Từ bến xe Oakland, họ bắt chuyến tàu nhanh đi tới nhà cụ bà Judy ở Berkeley. Ted sẽ “bàn giao” Thư cho bà nàng, còn anh chỉ ngủ một đêm để sáng sớm hôm sau bay đi New York.

Họ đi được hai bến tàu, đang chờ nối chuyến, thì Ted nhảy dựng lên:

– Chết rồi! Bọn mình mất một túi rồi!
– Cái gì cơ? – Nàng hoảng hốt.
– Cái túi đeo vai của anh, chứa laptop của anh! – Ted bắt đầu nói liến thoắng. Anh phải quay lại tìm túi đây, em có thể qua bà em trước hoặc ở đây chờ anh nhé! – Nói đoạn, anh chạy một mạch đi tìm tàu quay ngược trở lại.

Thư một mình ngồi canh bốn chiếc vali, một ba lô và một chiếc túi. Nàng nhắm mắt cầu nguyện tới tổng lãnh thiên thần Chamuel, vị thiên thần mà nàng thường gọi tên khi cần tìm đồ thất lạc. Hiếm khi nàng cầu xin hộ cho người khác, nhưng nàng cảm thấy có trách nhiệm trong câu chuyện quên đồ lần này. “Con cầu ngài giúp Ted tìm lại túi. Con sẽ nguyện ăn chay một tháng khi về Việt Nam!” Nàng tưởng tượng đến trạng thái nhẹ nhõm của họ khi anh cầm lại đồ thất lạc.

– Em ơi, anh tìm được túi rồi!!! – Ted gửi ảnh cho Thư.

“Thế là mình phải ăn chay thật rồi”, Thư nghĩ, đoạn cảm thấy cuộc đời thật màu nhiệm. Oakland vốn nổi tiếng về nạn trộm cắp. Các ô tô bị trộm đập vỡ cửa sổ để khoắng đồ giữa thanh thiên bạch nhật vốn là đặc sản của thành phố này. Vậy mà túi của Ted vẫn nằm nguyên bên vỉa hè, không ai đụng tới.

Hai cụ Judy và Arthur đã chờ sẵn ở bến tàu trong một chiếc ô tô màu đỏ. Nhìn thấy họ, Thư chạy tới. Hai bà cháu ôm chầm lấy nhau. Cả bốn người họ làm quen với nhau, rồi lên xe về nhà cụ Judy.

Bạn đọc thân mến, bạn vẫn còn nhớ cụ bà Judy chứ? Đó là người tình cũ của ông nội Thư. Mối tình của họ nảy nở trong quá trình hoạt động Cách mạng của cụ Xuân Oanh và hoạt động chống chiến tranh của cụ Judy. Họ yêu hoà bình, trong tình yêu lớn đó thì họ cảm mến nhau. Khi ông nội mất, nàng được thừa kế mối quan hệ này. Nàng gọi cụ Judy là “grandmother”, tức là một người bà ruột. Nàng cảm thấy may mắn biết bao, khi mà các ông bà nội ngoại đều đã mất, thì giờ nàng có được một người bà yêu thương nàng như con cháu trong nhà.

Cụ Judy sống trong một cụm nhà đặc biệt, được gọi là “Co-housing”. Đó là một con xóm có khoảng mười hai căn nhà, quây lại thành một cộng đồng nhỏ. Họ đã ở bên nhau như vậy khoảng hai mươi lăm năm nay. Con họ đã lớn và đi làm xa. Họ trở thành các vị bô lão, chung sống bên nhau, hôm thì yên bình, mà cũng có lúc kịch tính lắm.

Mỗi căn nhà Co-housing này rộng khoảng sáu bảy mươi mét vuông, cao hai tầng. Cả xóm chung nhau một căn sinh hoạt cộng đồng lớn. Ở phòng sinh hoạt chung này có một căn bếp rất rộng. Nồi niêu xoong chảo cỡ đại dùng để nấu ăn cho ba mươi người. Một tuần họ sẽ có ba bữa tối chung, một nhà nào đó trong xóm sẽ phụ trách nấu nướng. Thi thoảng họ cũng ăn sáng chung. Tủ lạnh thì đầy ắp đồ đạc, nhà ai hết đường muối bơ gạo thì qua lấy về dùng. Có chung phòng làm việc, có hẳn máy in và các thiết bị văn phòng. Máy giặt tủ sấy, phòng đọc sách có một chiếc piano. Và chung một phòng ngủ cho khách (guesthouse). Nếu nhà nào có khách đến ở lại qua đêm mà không có phòng ngủ cho khách, họ có thể báo cả xóm và lấy căn guesthouse này.

Thế là Thư và Ted đã ngủ ở căn khách đó vào đêm ấy. Mọi thứ đủ đầy và sạch tinh tươm như khách sạn. Mô hình Co-housing này là một điều hiếm có của Mỹ, cả nước Mỹ chỉ có 150 khu Co-housing như vậy thôi. Người Mỹ thường thích độc lập, ít quan hệ với hàng xóm và không chung chạ gì với nhau.

Cụ ông Arthur là chồng mới của cụ Judy. Cụ Arthur là một nhà sử học danh tiếng của Mỹ, một cựu giáo sư của đại học Maryland. Cụ Judy là một nhà hoạt động xã hội kiêm nhà xã hội học. Cả hai cụ đã từng sớm tham gia vào phong trào Hippy trong những năm 60, khi mà họ mới ngoài hai mươi tuổi.

– Về bản chất, Hippy là biểu hiện của nền văn hoá phản kháng (counter-culture) – cụ Arthur chậm rãi – tụi ông bà không muốn sống trong một thế giới tiêu thụ bừa bãi và những tư tưởng bảo thủ cố hữu của thế hệ trước, vì thế tụi ông bà vùng lên đấu tranh, góp tiếng nói cho một cuộc sống đa dạng, tân tiến và tiết chế xa hoa.
– Ồ, cháu tưởng người Hippy là những người bừa bãi và sưu tầm đủ thứ hầm bà lằng, đồng nát sắt vụn cơ chứ! – nàng ngạc nhiên.
– Không đâu, cụ Arthur trầm ngâm, trông là vậy, nhưng Hippy lại là một dạng biểu hiện của tối giản. Mà cháu cũng có thể là một người Hippy kiểu mới đó!

Những người thanh niên Hippy ấy đã góp một phần lớn trong hoạt động chống chiến tranh tại Việt Nam. “Ấy là một thắng lợi không chỉ của Việt Nam, mà cũng là thắng lợi của tụi Hippy này.”

Hai cụ Arthur và Judy đến với nhau bảy năm trước (nếu họ nhớ không nhầm). Lần gặp gỡ này, Thư thấy cụ Judy đã yếu đi hẳn. Trí nhớ của cụ lộn xộn, câu sau bắt đầu lạc chủ đề của câu trước, và cụ đã phải chống nạng mà đi. “Yêu nhau một năm thôi thì cưới. Cháu bảo cái gì cơ? Nói to lên xem nào? Có đăng ký kết hôn không á? Có chứ, phải làm đàng hoàng chứ. Chờ bà sửa cái tai trợ thính đã… Rồi… Hỏi cái gì ý nhỉ? À rồi. Yêu một năm thôi. Chứ tuổi này ngâm lâu thì có mà ngỏm mất!”

Cụ Arthur là người chồng thứ tư của cụ Judy. Năm nay cụ ông 76, còn cụ bà đã 80 tuổi. “Mấy lão trước đang yên lành thì lăn ra chết, nên quả này bà phải cố giữ cho còn sống!” – lời cụ bà oang oang như đe doạ. “Ha ha, phải cố mà sống sót thôi chứ biết sao giờ!” – cụ ông cười sảng khoái.

Cụ Arthur sau đó đánh xe chở Ted và Thư đến một quán ăn Do thái để lấy đồ đã đặt. Các con phố Berkeley thơ mộng, không sầm uất, được nhuộm tím hồng bởi ánh hoàng hôn dịu dàng của mặt trời xuống núi.

Họ trở về nhà, quây quần bên bàn ăn. Các cụ và Ted nói những câu chuyện về văn hoá và lịch sử Mỹ với những khái niệm và những tên riêng mà nàng không có chút nào hiểu biết. “Cậu ấy là một người hiểu biết rộng và ngọt ngào đấy!” – cụ Judy sau này nói lại với Thư. “Vâng, cháu ngưỡng mộ tri thức của anh ấy”, nàng đáp, đoạn cảm thấy tự hào về bạn trai của mình.

Đêm ấy, Ted thức dậy lúc ba giờ sáng. Anh và nàng ăn nhẹ cùng nhau, và nàng tiễn anh ra cổng. “Em yêu anh, anh có biết không?” “Có, em từng nói với anh một lần rồi!” “Đó là ngày trước, còn hôm nay là hôm nay!” “Ừ nhỉ. Anh cũng yêu em!”

Với nhiều cặp đôi khác, “yêu” có thể là một câu nói cửa miệng mà họ không tiếc lời tặng nhau. Nhưng với Ted và Thư, rất khó khăn để họ nói với nhau từ này. Người đàn ông trung niên đã trải qua đủ các cung bậc trong đời để không muốn thốt ra những lời mà anh cho là sáo rỗng và thủ tục. Còn người phụ nữ cũng đã tự thề nguyện yêu thương và chung thuỷ với chính bản thân mình, cố gắng giữ cho mình không sảy chân trong tình cảm thêm lần nữa.

Bởi vậy nên, đó là một khoảnh khắc đặc biệt của họ.

Thư chờ Ted bước lên taxi, rồi tiến về phòng, bắt đầu hành trình du lịch Mỹ của riêng nàng.