Hai lăm: Người già ở Berkeley và ta đang làm gì với tuổi trẻ?

Buổi sáng đầu tiên Thư ở Berkeley, cụ Judy mời cụ Nancy Kurshan tới nhà chơi. Cụ Nancy Kurshan là một nhân vật có tầm cỡ trong các phong trào xã hội vào những năm 1960, cụ cũng đã hoạt động tích cực chống chiến tranh Việt Nam và đã cùng sang Việt Nam với cụ Judy vào hồi còn trẻ. Ở đó, các cụ gặp lại cụ Xuân Oanh, họ có nhiều kỷ niệm với nhau.

– Nancy, bà có thấy cháu Thư giống ông Oanh không? Tôi nhìn cháu nó mà cứ như gặp lại bạn cũ vậy!
– Xem nào… ừ quả là giống!

Các cụ lôi nàng ra chụp ảnh cùng với những tấm chân dung mà họ chụp cụ Xuân Oanh. Có những bức hình về ông nội mà nàng (và có lẽ bố mẹ nàng) chưa bao giờ thấy.

– Thư ơi, đợt tới cháu qua New York có đi xem tụi bà biểu tình không? – Cụ Nancy hỏi – Tụi bà đang biểu tình phản đối sử dụng nhiên liệu hoá thạch! Đây, poster của bà đây, cháu cầm một tờ đi nhé! – Nói đoạn, cụ giúi vào tay nàng một tờ poster được thiết kế đẹp mắt như một tác phẩm nghệ thuật.

“Trộm vía các cụ tuy đã già nhưng ý chí cách mạng vẫn còn hừng hực lắm!” – Nàng nghĩ, đoạn cảm thấy thế giới thật tươi sáng khi những người già cả vẫn luôn có tinh thần chiến đấu cho một xã hội tốt đẹp hơn.

Thế nhưng, nếu các cụ bắt đầu lầm cẩm và lẫn lộn mà vẫn chiến đấu không ngừng thì lại là một điều đáng sợ. Một ngày nọ, cụ Judy và cụ Arthur ngồi bàn về chiến dịch bỏ phiếu liên quan đến việc sử dụng tiền của đài radio khu vực Berkeley: đài này có nên hỗ trợ kinh tế cho các đài khác hay không. Phe “Protectors” muốn đài Berkeley tự làm tự hưởng và không phải đi làm bò sữa, phe “Rescuers” thì ngược lại.

– Đây nhé Arty – cụ Judy nói – đây là danh sách của những người ở phe Rescuers. Ông với tôi là sẽ bỏ cho họ nhé!
– Bà lại nhầm nữa rồi. Bà với tôi không bỏ phiếu cho Rescuers. Tụi mình bỏ cho Protectors cơ mà!
– À thế à… tức là không Rescuers đúng không?

Các cụ cứ lật đật như vậy. Thư phá ra cười: trong một hồ sơ mật của FBI vào những năm 70, cụ Judy được đề cập đến “là một trong những kẻ nguy hiểm nhất…” Thế nhưng chính ra bây giờ, khi cụ vẫn còn máu chiến nhưng trí nhớ thì lộn xộn, cụ thậm chí còn trở nên nguy hiểm hơn nữa, bởi cụ bỏ phiếu cho ai thì ngay đến cụ cũng không biết đầu mà lần.

Những ngày ở Berkeley, Thư thấy mình sống trong một xã hội già cả. Phần đa những người trong xóm cụ Judy đều đã trên tuổi nghỉ hưu. Họ đã dọn về đó xây xóm này và ở với nhau gần ba mươi năm nay. Lác đác có một số thanh niên còn đang tuổi đi học. Mà không chỉ có xóm này. Trên đường đi, trong siêu thị, và các khu vui chơi giải trí. Những người tầm tuổi nàng đi đâu hết cả? “Quan sát tốt đấy”, cụ Arthur nói, “ông cũng chưa để ý lắm vụ này. Chắc họ qua San Francisco hết. Berkeley gần như chỉ còn hai đối tượng, người già, và sinh viên.”

Vì Berkeley không đa dạng về độ tuổi, người già ở đây không để ý họ đã lên lão.

Trong xóm, có ít nhất hai cặp đôi lão thành mới cưới. Hai cụ Judy-Arthur cưới nhau vào hồi cụ bà bảy mươi ba tuổi. Ông Gary, 71, mới cưới bà Ellen khoảng ba năm trước. Ông bà Gary-Ellen vào tối Chủ nhật trước đã phụ trách nấu bữa tối cho 30 miệng ăn của xóm. Nàng cũng được ăn ké. Tối thứ Hai thì cụ Judy mời họ sang ăn phở do Thư làm.

Ông Gary là một nhiếp ảnh gia. Ông đã giảng dạy ở Đại học Texas bốn mươi năm trước khi qua Berkeley lấy vợ. Nay ông có một xưởng làm tranh chọc len (felt) ở Mexico. Đầu tiên, ông chụp ảnh, thường là những mảng tường mà ông thích thú. Rồi ông in ảnh ra đến khi bức ảnh đạt màu mà ông cần. Ông mang chúng qua Mexico, làm việc với nhóm thủ công ở đó. Họ sẽ mất vài tháng để chọc xong một bức tranh len. Ông gửi vào các triển lãm. Bức to thì bán tầm gần hai mươi nghìn đô, bức nhỏ thì vài nghìn.

Sáng thứ Ba, Thư theo gót ông Gary đến chỗ làm. Một gian làm việc mặt đường University Avenue có giá thuê là mười sáu nghìn đô một tháng. “Ngày ở Texas, bác chưa bao giờ phải trả tiền cho nhà cửa quá một ngàn mỗi tháng, còn ở đây thì gấp đến mười sáu lần” – ông giải thích khi nàng hỏi. “Nhưng nhà bác hồi đó ở vùng hẻo lánh, đường xá còn không có vỉa hè, cháu có tưởng tượng được không?” Dĩ nhiên là nàng không tưởng tượng được, bởi Texas hiện ra trong đầu nàng chỉ có Dallas và Houston.

Phòng làm việc của ông Gary làm Thư nhớ đến phòng lab mỹ phẩm tại gia của mình. Ông bày biện gọn gàng và làm một mình tại đây, cũng như nàng vậy. Thấy Thư thích thú những tác phẩm nghệ thuật của mình, ông hào phóng tặng Thư hai bức tranh trên bản in của mình, không quên ký tặng. Vậy là khi về Việt Nam, nàng sẽ bắt đầu một phòng sưu tầm nghệ thuật, mà những bức đầu tiên sẽ đến từ Berkeley.

Người già ở đây không chỉ nhiệt tình cưới xin, biểu tình và khởi nghiệp. Họ còn không ngừng khám phá bản thân. Với ngân sách du lịch hạn chế của mình, Thư không dành tiền cho những buổi biểu diễn nghệ thuật đắt đỏ. Thay vào đó, nàng đến xem một buổi stand up comedy open mic (hài độc thoại nghiệp dư). Đây là một buổi mà những người không chuyên đến để thử thách mình đứng biểu diễn trước sân khấu, khán giả không đặt nặng vấn đề chất lượng và chỉ cần tự nguyện đóng góp vài đô la. Cách đây hơn một năm, Thư cũng đã học một khoá hài độc thoại online, được tổ chức bởi Haha Hanoi. Nàng cũng đi xem các buổi open mic của các bạn học, nhưng nàng chưa bao giờ dám đứng trên sân khấu. Đứng trước đám đông mà người ta chăm chú lắng nghe đã là một nỗi sợ, còn để người ra chăm chú rồi phá ra cười mà không bị chê là lố lăng thì là cả một cảnh giới khác. Thật dũng cảm cho những người dám đứng lên bục Open mic!

Open mic của Việt Nam, như bạn có thể tưởng tượng, là nơi để các bạn trẻ học hỏi và thử thách chính mình. Cỡ U40 như Thư thì đã là già lắm. Nàng chưa gặp ai ở độ tuổi của mình đi học hài độc thoại cả. Thế nên khi đến Open mic ở Berkeley, nàng cũng tưởng sẽ xem sinh viên biểu diễn. Nhưng nàng nhầm to.

100% những người biểu diễn ngày hôm đó là các cụ già. Người trẻ thì ngoài năm mươi, người già thì chắc hơn tám mươi. Một cụ bà đẹp lão nói với Thư: “Bà run quá. Trước nay bà chỉ nói trước camera để con gái quay đăng youtube thôi, nhưng bây giờ là lần đầu tiên bà đứng trước mọi người thế này.” Thế mà khi được gọi tên, bà hăm hở tiến lên sân khấu, kể chuyện rằng bà vừa đi triệt bikini để đi hẹn hò như thế nào ở tuổi bảy lăm. Một cụ khác chống nạng bước lên sân khấu, cụ cầm giấy đọc từ đầu đến cuối. Một màn khác, một ông lão tay chân múa may và nói dài liên tục, nhưng chẳng ai cười gì cả. Nhưng khi ông ấy biểu diễn xong, mọi người vỗ tay lớn động viên. Ông cảm động đi xuống khán đài.

Có một diễn viên hài chuyên nghiệp hôm ấy ghé qua Berkeley (tên là Charles, Charles gì thì nàng không nhớ), ông ấy cũng ghé vào sân khấu biểu diễn cho vui và để cổ vũ các cụ. Câu chuyện hài của ông ấy vừa buồn cười, mà cũng mang nhiều triết lý sâu sắc.

– Thế nào, cháu yêu – cụ Judy hỏi vào sáng hôm sau – buổi open mic đấy có được không?
– Tuyệt vời bà ạ – nàng đáp – rất duyên dáng, cuốn hút, thật là một món hời cho cháu. Chỉ mất năm đô la, mà nàng có thể tận mắt nhìn thấy một phần hơi thở của thành phố.

Thư không ngờ rằng vài ngày ở Berkeley lại khiến nàng tự vấn bản thân mạnh mẽ rằng nàng và những người xung quanh nàng ở Việt Nam phải chăng đã nhìn nhận sai về thời gian và giới hạn của bản thân? Khi người ta hai lăm tuổi, người ta đã bắt đầu phải dùng kem dưỡng chống lão hoá. Khi ngoài ba mươi, họ cảm giác “nếu không uống collagen thì già mất”. Phụ nữ ba lăm tuổi chưa lấy chồng thì lo hết tuổi đẻ con vì trứng đã lão hoá. Người ta mong nghỉ hưu sớm ở độ tuổi bốn lăm. Còn những người ở độ tuổi sáu mươi thì bắt đầu dừng học hỏi vì già. Người thì không đọc sách, người thì không muốn dùng máy trợ thính. Người thì ngại tiếp cận với ứng dụng thanh toán qua di động.

– Cháu không đồng tình với một ai đó sợ già từ khi còn trẻ, nhưng đồng thời lại luôn cho là mình đã già để rồi sớm dừng khám phá, dừng thử thách bản thân, và dừng hoạt động.

Ở Berkeley, nàng tin chắc rằng: Tuổi trẻ không nằm trên làn da không nếp nhăn; nó nằm ở sự thấu hiểu rằng những năm tháng thanh xuân còn ở phía trước.