Hai sáu.

Thư có nguyên bốn ngày ở với hai cụ Judy-Arthur tại Sea Ranch, một khu du lịch nghỉ dưỡng bên vách đá mép biển. Cụ Arthur đã lái xe suốt bốn tiếng đồng hồ ở tuổi gần tám mươi mà vẫn khoẻ re: trong khi nàng say xe bí tỉ thì các cụ vẫn quay trái quay phải ngắm cảnh hai bên đường.

Khi nghe cụ Judy giới thiệu rằng: “nơi đấy đẹp lắm” thì nàng còn khá thờ ơ. Nước Mỹ mà nàng muốn ghé thăm là những thành phố du lịch mà ai cũng nhắc đến cơ. Nhưng khi đến Sea Ranch rồi, nàng mới thấy thật là hùng vĩ. Căn nhà các cụ thuê nhìn ra hoàng hôn trên biển, nó cách vách đá tầm năm mươi mét, với một con hươu đang áp má bên những cọng cỏ khô.

Sea Ranch là một khu du lịch nghỉ dưỡng ven vách đá chả bờ Tây nước Mỹ. Nó rộng gần 43 nghìn kilomet vuông, được xây dựng từ những năm 1960. Các căn nhà cho thuê được làm từ những tảng gỗ to bản, chúng đồ sộ nhưng không cồng kềnh, tràn trề không khí trong lành và đầy đủ mọi tiện nghi. Ống nhòm có hai cái (trong đó một cái mang theo người được, một cái là ống nhòm chuyên nghiệp gắn chân cố định); hệ thống tủ bếp và kho đồ sộ, đến độ máy vắt rau có đến 3 cái, máy làm bánh và nguyên liệu làm bánh to tổ chảng; bồn jacuzzi luôn ở nhiệt độ cơ thể. Căn nhà này cụ Arthur book sớm nên có giá rẻ là năm trăm đô mỗi đêm; các cụ thuê ở đây mỗi năm bốn lần, mỗi lần tầm 10 ngày đến hai tuần. Năm đến bảy trăm triệu đồng riêng tiền nghỉ dưỡng ở Sea Ranch mỗi năm, nàng nhẩm tính. Bằng non nửa căn hộ của nàng ở Việt Nam.

Ở khu nghỉ dưỡng Sea Ranch, lại một lần nữa nàng chỉ thấy chủ yếu là người già.

Hai cụ có vẻ là những người khá giả. Chính các cụ cũng công nhận: “ông bà quả may mắn, nhưng cháu biết không: ông bà chưa từng bao giờ phấn đấu làm giàu. Ông bà chỉ đi làm nhân viên và lao động chăm chỉ thôi. Như ông, mấy năm trước ông mới đi xem quỹ hưu trí, ông mới phát hiện ngoài cái khoản tiền hưu ông biết, thì ông còn một khoản nữa cũng ngang thế! Hoan hô!”

Nhưng theo lời kể của rất nhiều người, nước Mỹ đang nghèo đi. Nhiều người đến tuổi nghỉ hưu (tức là kém các cụ khoảng 20 tuổi), họ chỉ có một khoản lương hưu còm cõi. Đấy là lý do những năm gần đây các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Indo… có nhiều người từ Mỹ ở độ tuổi sáu mươi đến ở: với số tiền ít ỏi, họ khó có thể sống nhàn nhã, vì thế họ di cư đến nơi nào giá cả rẻ hơn. Như ông Rick ở Chiang Mai mà nàng gặp hai tháng trước qua Couchsurfing, khi dọn qua Chiang Mai, ông đủ tiền thuê được ba căn nhà, ông ở một căn và có hẳn hai căn vừa để cho thuê, vừa để cho du khách tới ở nhờ miễn phí. Ông đủ sống dư dả, lại còn hào phóng nữa là khác!

Đấy là thế hệ sáu mươi. Còn thế hệ trẻ hơn một chút thì sao? Con gái cụ Judy, ở tuổi bốn lăm, vừa mới trả xong tiền nợ học phí đại học (mà chị đã ra trường cách đây hơn hai chục năm trước). Tất nhiên, công việc của chị thuận lợi, nên chị vững tin cày cuốc trả tiếp tiền nợ mua nhà.

Cùng với sự nghèo đi, thì tỉ lệ phạm pháp và bạo lực ở Mỹ gia tăng nhiều so với ngày trước. Vì vậy nàng đề phòng khi dùng Couchsurfing, hay xin đi quá giang. Cũng là lý do làm sao mà Ted đã đinh ninh anh mất phéng chiếc ba lô khi họ bỏ quên bên đường.

Ngay mấy ngày trước, khi nàng đứng chờ tàu ở Oakland, một người phụ nữ gọi với nàng từ xa: “Thưa bà (ma’am)!” Nàng tiến tới. Người phụ nữ trẻ thì thầm: “Thưa bà, người đàn ông đứng kế bà đang cầm một con dao”. Nàng chột dạ nhìn sang: hắn quả có dao thật, và hắn đằng đằng sát khí. Nàng cảm ơn người phụ nữ, trong khi cô ấy tiếp tục gọi với một người đàn bà khác cũng đứng kế bên hắn.

Nhưng ở Sea Ranch thì không phải Oakland. Ở Sea Ranch chỉ có những đàn chim bay về phương Bắc vào buổi sáng, những chú hươu nhẩn nha bên bãi cỏ, những con chuột túi má (pocket gopher) hì hục đào hố và chửi mắng người vô ý tứ dẫm lên hầm của chúng bằng thứ ngôn ngữ “bản địa”, và nghe đồn là những bầy cá voi xa bờ nữa.

Nàng ở Sea Ranch từ thứ Tư đến Chủ nhật. Không có gì để làm ngoài đi dạo với các cụ, đọc sách cùng các cụ, ăn uống cùng các cụ. Mục đích chính của nàng là được ở cùng cụ Judy nhiều nhất có thể, vì nàng không biết có lần nào nữa không. Hoặc nếu có, thì cụ còn minh mẫn nữa không.

Cụ Judy thi thoảng rủ nàng tắm bồn sục. Tiện thể, cụ kể chuyện làm cách mạng thế nào.

– Cháu cũng muốn góp tiếng nói và tham gia một hoạt động xã hội nào thật ý nghĩa. Cháu thích các đề tài về ủng hộ phụ nữ, bảo vệ môi trường, và lối sống tối giản bền vững.
– Chọn đề tài không khó – cụ Judy thẳng thắn – cái khó là cháu thể hiện con người cháu thế nào? Giọng điệu của cháu, ngôn từ của cháu, hình ảnh của cháu.
– Cái đó quả là khiến cháu băn khoăn, bà ạ. Nhiều khi cháu cũng không biết sống sao cho có ích mà vẫn giữ được thăng bằng nữa.
– Cháu có ai để chia sẻ những điều này không? – cụ Judy chau mày.

Nàng lắc đầu, cười nhẹ: bố mẹ nàng chỉ muốn nàng sống một cuộc đời tĩnh mịch, yên ổn. Bạn bè nàng thì đang bận kiếm tiền và chăm con. Nhưng nàng vốn thích làm những gì khác lạ. Điều đó khiến nàng cảm thấy được sống trọn vẹn, nhưng nó đi kèm với những thách thức riêng.

– Vậy bất cứ lúc nào cần, cháu có thể nói chuyện với bà nhé! Bà sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ! – cụ Judy trìu mến. Nghe câu nói này của cụ, nàng như cảm thấy chúng chính là lời nói của cụ Xuân Oanh. Nếu cụ Xuân Oanh còn sống, nàng hẳn cảm thấy được an ủi nhiều. Vì với nàng, trên đời này chỉ có cụ mới hưởng ứng và dẫn dắt nàng với sự bao dung và trí tuệ vô bờ thôi. Chỉ có cụ mới là người đột phá nhất, lập dị nhất, ngang tàng nhất và truyền động lực cho nàng nhất. Nếu có cụ, nàng đã không cảm thấy bị cuộc đời bỏ rơi vào những lúc nàng khó khăn. Nhưng giờ nàng ổn rồi, nàng đã có bản thân, có những vị thiên thần, giờ nàng có cả cụ Judy nữa. Nàng cũng biết linh hồn cụ Xuân Oanh vẫn dõi theo và phù hộ cho con đường nàng đi.

– Cháu cảm ơn bà! Hành trình đi theo lý tưởng là một chặng đường dài. Giờ cháu biết rằng cháu cần phải học hỏi, cần kết bạn, và cả cần kiếm tiền nữa. Đời cháu chắc không thể mua nhà nếu không có bố mẹ hỗ trợ. Đời con của cháu chắc còn khó hơn nữa. Cháu phải cày cuốc từ giờ cho chúng.
– Thế giới ngày càng khan hiếm hơn – cụ Judy chẹp miệng – thật vất vả cho bọn cháu.
– Nhưng ít nhất, bọn cháu không phải lo chiến đấu cho hoà bình! – Thư cười hì hì
– Đúng vậy! Cái đó tụi ông bà đã làm xong cho bọn cháu rồi còn gì! – cụ Judy cười sảng khoái.

Theo lịch, đáng nhẽ nàng phải về Berkeley trước các cụ và trong ngày thứ Bảy. Nhưng nàng quyết định lùi một đêm. Nàng muốn dành thời gian với cụ Judy, được giờ nào hay giờ ấy.

Nàng mời các cụ một bữa bít tết. Hai bà cháu cũng vào bếp với nhau: bà nướng thịt, cháu nấu nước sốt. Sáng sớm Chủ nhật, cụ Arthur đưa nàng ra bến xe, hai ông cháu ôm nhau bịn rịn.