Hai bảy.

Berkeley, ngày Mười bốn tháng Chín.

Thư thức dậy, cảm thấy thanh thản. Bởi nàng quyết định hôm nay nàng không vào San Francisco nữa. Nàng sẽ ở lại Berkeley. Ba ngày vừa qua, ngày nào nàng cũng lê gót trên những con phố San Francisco hỗn loạn. Nàng nhắm mắt một chút để tưởng tượng lại về những gì đã trải qua:

San Francisco là một thành phố đa dạng văn hoá nhất mà nàng từng đến. Mỗi quận của nó là một thế giới khác nhau: Outer Sunset là “khu triệu phú” với những căn nhà có kiểu kiến trúc mang lại cảm giác ốc đảo giữa sa mạc; Haights-Ashbury với những ngôi nhà lịch sử của văn hoá hippy thập kỷ 1960 và là nguồn cảm hứng nuôi sống cho những cửa hàng hippy ngày nay còn tồn tại rực rỡ; Chinatown với những chiếc đèn lồng đỏ quen thuộc cùng một ông cụ đứng chào cờ ở ngã tư đường; Financial district cùng những toà nhà chọc trời là biểu tượng của chủ nghĩa tư bản; Presidio mang đặc màu sắc của chế độ Tây Ban Nha những năm 1700 và vẫn phảng phất không khí của căn cứ quân đội Mỹ những năm 1800 trước khi trở thành một công viên như hiện tại; và Mission district là thánh địa của những hoạ sĩ đường phố với dấu ấn của họ trên khắp các bức tường mọi người lại qua…

San Francisco bảo tồn được cho nó tất cả những nền văn hoá đó, những thứ này đã biến đổi theo thời gian, từ những ngày nó được tìm thấy như một kho báu được khai quật, đến thời ai cũng đổ về trong kỷ nguyên đào vàng thế kỷ 19, oằn mình trong trận động đất kinh hoàng năm 1906, chứng kiến những cuộc di dân của những nhóm người khác nhau trong chiến tranh thế giới, được sơn lên màu sắc của hoà bình trong những ngày chiến tranh Mỹ với Việt Nam đang đau thương nhất… San Francisco là một nơi mà, bạn đứng ở bất cứ ngã tư nào và lắng nghe, thì bạn đều nhận ra bạn đang ở trong một Vũ trụ mới, nó độc lập, riêng biệt, có lịch sử riêng biệt mà cũng được ảnh hưởng bởi lịch sử của ngã tư (hoặc Vũ trụ) kế bên.

Thư, vì thế, lang thang trong San Francisco mà ngỡ như mình là kẻ du hành Vũ trụ.

Cách “du hành Vũ trụ” trong thành phố này chẳng vui vẻ gì cho lắm: San Francisco nổi tiếng là nơi có hệ thống giao thông công cộng rối rắm bậc nhất. Metro (hình như vậy, nàng đã quên tên là gì, thôi ta hãy cứ tạm gọi nó là metro) là những chuyến tàu điện khi lặn xuống lòng đất, khi nổi lên bề mặt và dùng chung bến đỗ với những loại tàu khác; xe bus thì như chúng ta đều biết; có một loại xe trông như hai cái xe bus được vá lại với nhau; cable car là những chiếc xe điện cổ được kéo đi bằng dây cáp treo trên đầu theo phong cách “múa rối nước” – nhưng chúng có từ lâu đời và người ta có thể đu xe (có nghĩa là họ đứng ở rìa xe); và historic street car là một loại xe trông giống xe bus, cũng “múa rối” và nó còn tồn tại vì ý nghĩa lịch sử nào đó.

Tuyến đường của những loại hình giao thông công cộng này vá chằng chịt với nhau trên một tấm bản đồ, mà ngay cả những người sống lâu năm ở đây cũng không thể hiểu nổi. Và nữ chính của chúng ta, nhà du hành Vũ trụ bất đắc dĩ – vốn là kẻ mù đường – trở nên vô cùng lúng túng vì luôn đi nhầm giữa các thế giới.

Ngày đầu, nàng cảm thấy cũng không vấn đề gì. Ngoài việc nàng đã phải cuốc bộ mười ba cây số lên thác xuống ghềnh trên đường phố San Francisco lồi lõm, thì việc liên tục đi lạc đến những nơi mới lạ khiến nàng khá thích thú. Ngày thứ hai, vẫn cuốc bộ mười hai cây, nàng bắt đầu sốt ruột. Còn đến ngày thứ ba, thì nàng vừa đi vừa chửi.

Ấy là buổi chiều muộn ngày Mười ba tháng Chín. Lúc này, nàng đã vô cùng đói bụng. Nàng đã lạc đường đến hai tiếng đồng hồ trong công cuộc truy tìm một quán pizza của Tony Gemignani – đệ nhất pizza của Mỹ hiện tại. Nàng vừa biết đến ông qua video nàng xem đêm trước trên nền tảng giáo dục online Masterclass, ông thắng nhiều giải pizza ở Mỹ và còn thắng cuộc thi pizza thế giới ở Ý – cội nguồn của pizza, nơi mà người ta không hề mong muốn một người Mỹ thắng cuộc. Nàng xem ông hướng dẫn một công thức pizza. Thực ra, có nhiều thứ trên Masterclass mà nàng xem không phải để làm được, mà chỉ để có thêm hiểu biết về thế giới và để được nhận năng lượng từ những người là tinh hoa trong ngành nghề của họ. Rồi nàng phát hiện ông có nhiều cửa hàng pizza ngay ở San Francisco, nàng quyết tâm đến ăn một miếng. Nàng đi lạc hai tiếng thì tới được địa điểm, mà quán đã đổi chủ, nàng buộc phải tìm quán khác của Tong, và giờ nàng đi lạc mất một tiếng mà google map vẫn cứ chỉ lòng vòng.

“Đ***** M***** SAN FRANCISCO!!!” Đến lúc này, nàng không thể chịu được nữa. Chửi xong, nàng lại lết tiếp. Nàng phải đến bằng được cái quán chết tiệt đó.

Rồi khi nàng tới nơi, nàng xếp hàng chờ nửa tiếng thì cũng nhận được cái lát pizza mười đô la của nàng. Vì quán hết chỗ, nàng mang nó ra Nhà thờ ăn. Nhiều người ngồi trước nhà thờ này cũng đang thưởng thức lát pizza đệ nhất.

– Thế nó có ngon không? – vài ngày sau, anh Juan Pablo sẽ hỏi.
– Cũng bình thường thôi anh ạ. Khi em gập nó thành đôi, thì nó vẫn nứt ra như những miếng pizza khác. Mà có lẽ, sau khi vượt đói đến đó thì em cũng không còn biết ngon là gì nữa.

Những ngày du hành quay cuồng đó cũng mang lại cho nàng cơ hội bất ngờ. Thư viện thành phố San Francisco tổ chức khoảng tám mươi tour đi bộ miễn phí cho du khách, được dẫn dắt bởi những cụ già đã về hưu. Nàng đã chấm một tour, vào lúc chín rưỡi. Thế nhưng vì đi nhầm xe (và sau đó là trúng xe nhưng nhầm chiều), phải đến mười giờ bốn lăm nàng mới đến nơi. Ấy là ngày thứ hai liên tiếp mà nàng nhỡ tour đi bộ miễn phí. Nhưng không sao, chỉ cần chờ mười lăm phút nữa, sẽ có một tour khác khởi hành ngay cùng một địa điểm.

Nàng đi loanh quanh một lúc rồi trở về cổng Vườn trà Nhật (Japanese tea garden), nằm trong Công viên Cổng vàng (Golden Gate Park) vào lúc Mười một giờ trưa. Một cụ già mặc áo đỏ và đội mũ đỏ đã đứng chờ sẵn. Cụ Charlie, 81 tuổi (mà nàng ngỡ chỉ mới ngoài 60), là người dẫn tour này. Và điều buồn cười là: ngày hôm ấy, nàng là du khách duy nhất của tour đi bộ đó.

– Ông dẫn tour của San Francisco hai mươi năm rồi, đây là lần thứ hai mà tour chỉ có một khách như thế này. – cụ Charlie phàn nàn – thế giờ cháu được chọn nhé: cháu muốn đi tour khám phá bí mật công viên Golden Gate, hay tour Vườn trà Nhật? (Cụ nhìn Thư một cách quan ngại) Tour vườn trà Nhật có vẻ hợp với thể lực của cháu hơn đấy.

Thế là hai ông cháu vào Vườn trà Nhật. Công viên Cổng vàng là một quần thể của các công viên nhỏ hơn, mà Vườn trà Nhật là một trong số đó. Quả đúng như cụ Charlie nói, nơi này đường đi bằng phẳng. Cụ Charlie đã mang sẵn theo mình những tấm ảnh của nó qua nhiều năm tháng. Từ năm 1894 khi thành phố tổ chức Hội chợ thế giới và ngay sau đó giao cho kiến trúc sư người Nhật Makato Hagiwara thiết kế và xây dựng công viên (Hagiwara cũng là người phát minh ra chiếc bánh fortune cookie nổi tiếng, nhưng cụ đã không đăng ký bằng sáng chế). Gia đình Hagiwara đã ở trong công viên này, bị đuổi ra ngoài, rồi trở lại, rồi lại bị di dân sang Arizona trong Thế chiến, rồi bằng cách nào đó họ lại về ở được gần công viên. Những cái cây ở đây, cây nào mới, cây nào cũ, cây nào hai trăm năm mươi tuổi… cụ Charlie đều kể chi tiết. Cái cây thông cao lại là đứa trẻ so với cái cây thông “bonsai” ở cổng làng. Cụ Charlie đi lại phăm phăm, tai chính mắt tinh, còn nàng theo sau, vừa đi vừa thở hồng hộc.

Cùng là Vườn trà Nhật này, nếu không có ai kể cuộc đời của nó, thì nó chỉ là một bức tranh phong cảnh không có câu chuyện.

Nhờ mù đường ở San Francisco, mà nàng được hưởng một tour du lịch riêng, với người hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm.

Giờ, chúng ta hãy quay trở lại với ngày Mười bốn tháng Chín, ngày mà một chàng trai quỳ xuống chân nàng…