Hai tám.

Mười bốn tháng Chín, Berkeley.

Nàng trở dậy, xuống bếp, mở tủ lạnh, lấy bát súp thịt lợn rau củ nàng đã nấu từ hôm qua, cho vào lò vi sóng hâm lại. Chỉ còn hai ngày nữa ở đây, nàng không muốn vào San Francisco nữa mà sẽ đi dạo trong Berkeley này.

Nàng mang bữa sáng ra hiên nhà, ngồi trên chiếc ghế bành của cụ Judy và nhấm nháp bát súp nóng hổi. Rồi nàng nghĩ bụng: cả khoảng sân chung của xóm với những bộ bàn ăn picnic kia nàng chưa sử dụng, hẳn sau này sẽ tiếc lắm. Thế là nàng tha cả súp cả trà ra giữa sân chung. Vừa ăn nàng vừa ngắm những căn nhà trong xóm này. Có một căn có khu vườn thật đẹp. “Ồ họ trồng gì thế kia nhỉ? Hình như là cà chua. Thế thì lạ thật đấy. Ở Berkeley mình chỉ thấy người ta trồng cây cảnh. Ra đấy xem sao”.

Nàng mò vào vườn nhà người ta thật. Cà chua, cải rocket, “cái gì có rau rocket ư? Phải ăn thử xem có đúng không”. Nàng bứt một lá, nhai rồn rột. Lần đi Mỹ này, nàng cho không biết bao nhiêu thứ linh tinh vào mồm. Nhỡ mà đau bụng đi viện ở Mỹ thì có mà sạt nghiệp. Nhưng không sao, nàng đã mua bảo hiểm du lịch rồi.

– Cô là ai đấy? – Một giọng người cất lên ngay sau gáy nàng.

Giật mình, nàng quay đầu lại. Một cụ già ăn vận quần áo màu hồng mận choé đang cau có nhìn nàng.

– Cháu chào bà, cháu là Thư, khách của bà Judy. Đây là vườn nhà bà đúng không ạ?
– Cô là Thư à, à tôi biết cô đang ở trong xóm này. Mà cô vào vườn tôi làm gì?
– Cháu đang ngồi ăn ở kia (nàng chỉ ra khoảng sân chung), thì thấy vườn bà đẹp quá nên cháu vào xem. Cái rau kia có phải rau rocket không bà?
– Ừ bà cũng không rõ, nó mọc dại đấy – cụ già đổi giọng và bắt đầu mỉm cười – nhưng có một số loại thì bà chủ đích trồng, như cái này này…

Cụ bà tên Alice, tám mươi ba tuổi. Chắc lâu lắm chẳng ai chiêm ngưỡng và hâm mộ vườn của cụ hay sao, mà cụ hồ hởi khoe từng cái cây một. Lúc này nàng mới biết cây xô thơm (sage) có nhiều giống khác nhau vậy, chúng có một lớp lá nhung và nhai thì đắng ngắt (bình thường nhà nàng chỉ có lá xô thơm khô dùng để đốt thơm phòng). Vừa kể chuyện cây, cụ bà vừa phủi mạng nhện cho chúng. “Lâu rồi bà cũng chẳng chăm vườn. Vì ít tưới nên nó chẳng lớn được, mà ăn cũng không ngon.” Nàng cũng rảnh rỗi, vớ một cái chổi đi phủi mạng nhện cùng, thi thoảng lại hái một cái gì đó bỏ vào miệng nhai rồn rột.

– Tại sao mọi người không trồng rau ở Berkeley vậy bà? – nàng hỏi
– Chắc tại người ta thích ăn đồ organic. Tự trồng thì không đảm bảo lắm, vì khói bụi ô nhiễm bám vào cây
– Chẳng bù với Hà Nội quê cháu bà ạ – nàng thở dài – tự trồng thì mới đảm bảo được nhất, dù quê cháu ô nhiễm khí hậu cao hơn ở đây. Cháu cũng tự trồng ở nhà này. Ngày trước, ở nhà mặt đất thì cháu trồng trên sân thượng. Hội trồng rau trên sân thượng tự đặt cho mình cái tên là “nông thượng”. Còn giờ, lên chung cư, thì cháu làm “nông công”: cháu chỉ trồng được ở cái ban công bé tí thôi
– Thế hả, buồn cười nhỉ. Mà ở Berkeley cũng có một số người tự trồng rau, nhưng họ không trồng tại nhà họ, mà họ trồng trong khu vườn chung. Có một cái vườn chung chỉ cách đây mười phút đi bộ. Cháu muốn qua đấy không?

Mắt nàng sáng rực. Cụ Alice dẫn nàng tới vườn chung của khu. Đó là một khoảng đất rộng và um tùm, một bên được chia cho những hộ gia đình đăng ký trồng riêng, còn một bên là rau củ công cộng, được quản lý bởi một người đàn ông tên Steve. Hằng ngày, Steve sẽ tới tưới tắm cho cây, thu hoạch và bày trên bàn. Bất cứ ai đi ngang qua cũng có thể mang về miễn phí. Nếu thích thì họ có thể bỏ một vài đồng vào lọ quyên góp.

Hai bà cháu đi thăm từng luống cây. Có một số giống cây mà nàng chưa bao giờ từng thấy. Có những quả mâm xôi đỏ nàng chưa bao giờ ăn, nàng soi những quả vừa rụng, lấy que khều ra, chia cho cụ Alice. Có lẽ đó là lần đầu nàng được ăn mâm xôi đỏ.

– Tầm giờ này thì Steve chắc sẽ tới đấy. Cậu ta hay phết, nghề chính của cậu ta là vẽ đồ hoạ hoạt hình cho hãng Pixar.

“Trúng mánh rồi!!” – nàng nghĩ thầm – bất cứ những từ khoá nào liên quan đến “Pixar”, “Disney”, hay “Hollywood” cũng làm nàng dấy lên niềm hy vọng rằng sẽ có ai đó phát hiện ra sự hiện diện ẩn dật của nàng để làm một bộ phim kinh điển lấy cảm hứng từ cuộc đời nàng. Nàng phải gặp bằng được người đàn ông tên Steve!

Mà anh ta xuất hiện thật.

– Chào bà Alice! – Steve trông như được lai giữa một người nông dân và một ca sĩ đồng quê tiến tới ôm cụ bà – hôm nay bà mang ai tới đây đây?
– Steve, đây là Thư – cụ bà hồng choé nhấm nháy – cô ấy từ Việt Nam sang đây chơi. Cô ấy cũng trồng rau ở nhà nên tôi dẫn qua đây cho xem vườn chung.
– Tuyệt vời! – Steve cười xã giao, nói đoạn anh quay sang chào những vị khách khác.
– Ở đây rất tuyệt – Steve nói – ngày nào tôi cũng đón những người bạn mới. Để tôi dẫn hai bà cháu đi tham quan một vòng nhé.

Biểu cảm của Thư trong vườn khiến Steve bật cười: khá hồn nhiên và hài hước. Nàng không từ một cái cây nào, và đến đâu nàng cũng tiếc rẻ vì không được nhổ (hoặc hái) nó lên ăn. Vì biết Thư thích sưu tầm hạt giống, Steve trẩy cho nàng một ít hạt kale Bồ Đào Nha mang về nhà. “Anh Steve, tôi rất rất thích thu hoạch rau. Tôi chỉ còn ngày mai ở Berkeley thôi, xin anh cho tôi một chân trợ lý trong ngày mai nhé!” “Được thôi. Thế mười một giờ trưa mai cô có mặt ở đây nhé”.

Hôm sau, nàng lại đi lạc.

– Xin lỗi anh, tôi tới trễ. Tôi bị mù đường.
– Thảo nào, lúc nãy tôi thấy cô đi ngang qua, mà tôi tưởng cô đi có việc nên cũng không gọi. Giờ cô muốn làm gì nào?
– Tôi thích thu hoạch. Tôi thích nhất là khai quật cái gì từ dưới lòng đất, sau đó là cái gì phải lột ra mới thấy, sau đó là hái cái gì từ trên cao, cuối cùng mới là rau ăn lá.
– Thế giờ tôi cho cô đi nhổ củ cải vàng (parsnip) nhé!

Steve đi tìm củ cải vàng, nhổ một củ lên làm mẫu cho nàng xem. Nàng hăm hở nhổ trọn vườn củ cải của Steve.

– Xong rồi à, giờ đến cà rốt nhé!

Nàng lại nhổ trụi vườn cà rốt.

– Thế giờ cô muốn lột cái gì đó ra xem đúng không nhỉ? Tôi cho cô thu hoạch quả tầm bóp nhé!

Tầm bóp là một loại quả độc đáo: trông nó như cà chua bi nhưng nó được bọc trong một lớp lá trông như một bông hoa giấy bạc màu. Thư có sử dụng chiết xuất quả này vào hai sản phẩm dưỡng da của /li:st/, nhưng chưa bao giờ nàng được nhìn thấy tận mắt. Chúng được dùng để chống viêm, và giảm tác hại của ánh nắng đến da.

Tầm bóp mọc thành bụi thấp, Steve phải quỳ một chân xuống đất để tìm được quả chín vừa. Anh lột lớp bọc của nó, để lộ một quả tầm bóp xinh xắn như cà chua bi. “Cô ăn thử coi”, anh đưa cho nàng. Nàng nhìn bộ dạng của anh và phá ra cười. Đời này chả mấy khi có chàng trai nào quỳ xuống chân nàng, dâng một cái gì trông như cái nhẫn cưới thế kia. “Ôi thôi thế là xong đời giai của tôi rồi!” – Steve nhận ra, than thở.

– Steve này, tôi luôn ước rằng mỗi sáng thức dậy có một nam thần đứng trước cửa nhà tặng tôi một bó hoa. Mà không chỉ tôi, rất nhiều chị em cũng có chung điều ước. Xem ra anh có thể đáp ứng ước nguyện đó của chị em mà không cần tốn kém nhỉ – nàng vừa vặt hoa hướng dương của Steve, vừa nói.
– Phải đấy, vườn tôi chẳng thiếu gì hoa. Cả quả nữa. Tính ra mỗi buổi đi hẹn hò là tôi cũng phải tiết kiệm cả hai chục đô la.
– Thật tuyệt vời! Mà anh có cả hạt giống nữa. Thử tưởng tượng, sáng ra mà anh xuất hiện trước mặt người ta, anh tặng một túi hạt giống mà hỏi: “Cô có vui lòng nhận giống tôi không?”, thì chắc chẳng cô nào từ chối đâu ấy!

Steve cười sảng khoái, hỏi: “Thế cô có cần giống tôi không?”

– Tôi quá cần đi chứ! Anh có giống gì, có thể cho tôi tất được không?

Thành quả của nàng ngày hôm đó mang về gồm: hạt hướng dương, hạt cải kale Bồ Đào Nha, mận, rau dền đỏ, và nhiều loại hạt khác. Nàng cẩn thận làm những túi giấy nhỏ, cất chúng vào trong, điền tên và ngày thu hoạch. Không bỏ tiền vào hòm quyên góp, nàng tặng anh một bánh xà phòng từ dầu gấc Việt Nam mà nàng tự làm lấy.

Sự tò mò của nàng trước vườn cụ Alice đã dẫn nàng tới một trải nghiệm làm vườn ở Mỹ, cùng những mầm sống nhỏ gọn mà nàng sẽ mang về Việt Nam.

– Thật tiếc quá, tôi gặp anh muộn. Nếu có lần sau tới Berkeley, tôi sẽ quay lại đây làm vườn cùng anh!

Họ chia tay nhau ở đó. Tối ấy, nàng đến Đại học California ở Berkeley, ngôi trường nằm trong top danh giá nhất bờ Tây nước Mỹ, và đi nghe một buổi song tấu Tây Ban Nha. Nàng dọn dẹp đồ đạc, chuẩn bị hành trình đến vùng đất mới: Nữu-Ước.