Hai chín. Brooklyn

Máy bay từ San Francisco đáp xuống sân bay Newark Liberty vào lúc tám rưỡi sáng. Từ đó, Thư loay hoay hồi lâu thì cũng tới được New York. Ted đã chờ nàng sẵn ở bến tàu.

– Chào mừng em tới New York! – Anh ôm chầm lấy nàng, phấn khởi.
– Anh vẫn đến được à! Em tưởng anh có meeting lúc chín giờ mà? – Nàng mừng rỡ
– Anh dời hẹn lại, anh muốn đưa em đến nhà Steffie.
– Ngọt ngào quá đi! – nàng kiễng chân lên, tặng Ted một nụ hôn sâu.

Steffie Kinglake là một người bạn mà Thư mới quen cách đây hơn hai tháng. Bà của chị, Judy Lerner (không phải là cụ Judy Gumbo bà của nàng), cũng là một người bạn thời chiến của cụ Xuân Oanh. Khi gia đình Steffie qua Việt Nam chơi vào hồi tháng Bảy, bố Thư đã điều động nàng đưa họ đi thăm thú quanh Hà Nội, và họ làm bạn với nhau từ đó. Lần này qua thành phố New York, nàng ở nhà Steffie ở quận Brooklyn ba đêm.

Còn Ted thì xuất hiện để hộ tống nàng qua nhà Steffie để nàng không phải lo lạc đường.

Sự có mặt của Ted quả là rất tiện lợi. Không giống như San Francisco, nơi mà các bến tàu ngầm đều có thang cuốn, thì hệ thống tàu điện ngầm của New York đã già cả và chủ yếu là phải đi thang bộ. Ted xách vali của nàng qua các bến tàu, tha đi các con phố, nàng chỉ việc lẽo đẽo chạy theo sau, mất hơn một tiếng nữa mới tới nhà Steffie.

Tại đó, mọi người trong nhà Steffie đều đang háo hức chờ để gặp lại nàng.

– Chào mừng em đến New York! – Juan Pablo, chồng Steffie, ríu rít.
– Thật tuyệt vời gặp lại mọi người ở đây! Thật không thể tin nổi có ngày chúng mình gặp lại nhau, ở nơi xa xôi thế này! – nàng cười phấn chấn.

Họ uống một tách trà với nhau, nói dăm ba câu chuyện, Ted ra về để đi làm, còn gia đình Steffie dẫn nàng đi thăm quan vườn Bách thảo (Brooklyn Botanical Garden), Bảo tàng Brooklyn cạnh nhà, và hội chợ Smorgaburg. Hôm ấy là Chủ nhật, mọi người tụ tập tại vườn Bách thảo rất đông. Họ cứ đi được một đoạn là gặp người quen, khi thì hàng xóm, khi thì bạn học của Jade (con gái Steffie và Juan Pablo).

– Người thiết kế công viên Prospect ở Brooklyn cũng là kiến trúc sư thiết kế công viên Grand Central ở Manhattan đấy – Juan Pablo giới thiệu – dù Prospect chỉ nhỏ bằng một góc của Grand Central, nhưng ông ấy nói Prospect mới là tuyệt tác của ông ấy.
– Đợt covid, người ta có được ra công viên nữa không ạ?
– Có em ạ! – Steffie trả lời – May mắn thay, công viên vẫn mở, mọi hoạt động ở đây diễn ra tương đối bình thường. Siêu thị cũng mở, người ta chỉ xếp hàng xa nhau thôi. Và vẫn đi dạo trong công viên. Có rất nhiều người vì đại dịch mà không còn chỗ ở, họ ra công viên Prospect nằm la liệt.

Steffie hoạt động trong ngành y, với vai trò quản lý và giám sát hoạt động của các cơ sở y tế tại New York. Chị đã có quãng thời gian vất vả trong đại dịch, thức dậy từ 3-4 giờ sáng và làm việc đến khuya.

Phải đến khi ở cùng Steffie, và sau đó là ở nhà Ariel ở Manhattan, thì nàng mới hiểu tại sao New York hồi đó lại bùng dịch nhanh thế.

Gia đình Steffie sống trong một căn hộ tương đối rộng rãi ở quận Brooklyn. Nó tầm sáu mươi mét vuông, hai phòng ngủ một vệ sinh, như vậy đã là thoải mái so với phần đa căn hộ khác trong thành phố này. Thư được bố trí cho ngủ trên sofa-bed tại phòng khách, cũng là phòng làm việc của Steffie. Căn bếp kiêm phòng ăn của họ rộng tầm bảy mét vuông. “Anh chị may mắn thuê được căn hộ to thế này. Nhiều căn khác, phòng bếp không đủ to để chứa được một cái bàn ăn”.

– Vậy là anh chị thuê căn này chứ không mua ạ?
– Ừ, mua nhà ở đây đắt lắm, anh chị không dám mơ sẽ sở hữu nhà ở New York.
– Thế mà anh chị mua sắm và trang trí tưng bừng nhỉ! Em cũng thuê nhà ở Hà Nội, bất cứ lúc nào người ta cũng có thể đòi lại nhà, nên em không sắm sửa gì!
– Ồ, luật ở đây không cho chủ nhà làm như vậy. Anh chị ở đây đã mười năm, coi đây là nhà mình rồi. Nên cứ sắm sửa đắp vào cho nó thôi.
– Nhà này anh chị thuê giá bao nhiêu, anh chị không phiền em hỏi chứ?
– Không sao! Thông thường một căn thế này tầm ba ngàn đô mỗi tháng, nhưng chị Steffie may mắn có bạn am hiểu trong ngành bất động sản, họ giúp anh chị tìm được căn hộ thuộc chương trình “bình ổn giá” của tiểu bang, nên giá thuê từ mười năm trước đến giờ gần như không thay đổi gì. Anh chị trả ngàn sáu mỗi tháng.
– May mắn làm sao! – nàng hớn hở – Nhưng ba ngàn đô, má ơi, gấp gần mười lần nhà em thuê ở Hà Nội đấy, mà diện tích bằng nửa nhà em. New York thật là đắt đỏ.
– Vì giá thuê rất đắt, nên nhiều gia đình chọn cách thuê chung một căn hộ với nhau. Như ở quận Queens, một căn thế này mà ba bốn hộ gia đình ở, em tưởng tượng được không? Chính vì ở lúc nhúc như thế, nên khi đại dịch bùng phát, quận Queens chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Mỹ – Steffie nói, trong mắt chị vẫn ánh lên sự ám ảnh về những chuyện đã xảy ra ở thành phố này, nơi mà mỗi ngày có hơn nghìn cái xác được chở đi, tới những nhà xác thậm chí còn không có đủ sức chứa. Những ngày ấy như chỉ mới vừa hôm qua.

Ở New York đắt đỏ, gia đình Steffie còn có thêm một cách nữa để tiết kiệm chi phí. Có một siêu thị tên là Park Slope Food Coop, giá cả ở đây chỉ bằng nửa so với những nơi khác. Siêu thị này được vận hành bởi tình nguyện viên và chỉ mở cho tình nguyện viên. Steffie làm nhân viên thu ngân ở đây ba giờ mỗi tháng, nhờ vậy chị có quyền đi chợ. Juan Pablo mấy tháng nay làm không đủ giờ, anh không được vào nữa. Khách vãng lai, hay gia đình và bạn bè của thành viên, không ai được mua sắm ở siêu thị này. Có làm mới có hưởng.

Những ngày ở Brooklyn, Thư được gia đình Steffie coi như người nhà. Nàng cũng thể hiện mình là người nhà, nàng phụ nấu ăn, rửa bát, cùng Juan Pablo đưa Jade tới trường và đón nhóc về nhà. Đường tới trường Jade xa xôi, phải đi tàu điện ngầm cả tiếng mới tới. Jade tranh thủ đọc sách, còn bố nhóc tranh thủ vẽ chân dung những người ngồi trên tàu. Ở New York, mọi thứ đều bận rộn, hối hả. Khẩn trương đến độ chẳng ai còn đoái hoài đến con virus đang bắt đầu quay lại: mọi người vẫn chen chúc vào nhau mà không đeo khẩu trang.

Những ngày ấy trôi qua êm đềm với nàng. Nàng quẩn quanh trong nhà Steffie, dạo những con phố gần nhà, sống như một thành viên chứ không phải là khách du lịch nữa. Thi thoảng nàng có vào Manhattan, hẹn hò với Ted và thăm cụ Cora. “Em ở nhà chị bao lâu cũng được” – Steffie hào phóng. “À, em cũng muốn qua ở với Ted nữa. Bao giờ nhà bên đấy bớt đông người thì em sẽ qua với anh ấy ngay” – nàng đáp. “À ừ nhỉ” – Steffie bật cười. Ted cũng ở chung trong một căn hộ chật hẹp tại Manhattan.

Juan Pablo, chồng Steffie, là một hoạ sĩ người Columbia. Anh là một trong hàng trăm nghìn nghệ sĩ tại New York – nơi hội tụ của những tinh hoa nghệ thuật. Và cũng như khắp nơi khác trên thế giới, nghệ sĩ thường là những người không sống được chỉ bằng tài hoa của mình. “Một nghệ sĩ, để sống ở New York, họ phải làm rất nhiều việc khác nhau. Mọi người đều không lấy gì làm lạ với cách sống đa nghề nữa” – Juan Pablo giải thích. Anh nhận việc làm thêm mỗi ngày, khi thì dạy vẽ, khi thì đưa đón trẻ con đi học.

Nhưng cũng vì sự linh hoạt này, thì khi bạn đi trên khắp đường phố New York, bạn đụng vào ai – dù là bồi bàn, trông trẻ, một doanh nhân, một nhân viên văn phòng, một cụ già đi siêu thị, thì khả năng lớn là bạn cũng đang chạm mặt với một nghệ sĩ tài ba. New York đắt đỏ, nhưng cũng bao dung và trao cơ hội cho tất cả những người nghệ sĩ ấy.

Với Juan Pablo, thì anh thuê được một studio làm việc với giá chỉ hai trăm đô la mỗi tháng, anh được phát thẻ thành viên tại nhiều bảo tàng – tức là anh không phải bỏ tiền để đi thăm bảo tàng nào. Thư được anh đưa cho một tập thẻ ra vào các bảo tàng: nàng có thể thoải mái ra vào mà không phải lo tiền vé!

Tới New York, Thư thấy xung quanh nàng đều là các nghệ sĩ cả. Ted là một vũ công ballet và đương đại, kiêm chơi saxophone cũng mười năm. Ariel – bạn cùng phòng của anh – một nghệ sĩ đàn hạc, vũ công underground kiêm hoạ sĩ. Temirei – một người bạn trên Couchsurfing – chuyên làm nghệ thuật sắp đặt. Còn Raj – cũng trên Couchsurfing – là một nhiếp ảnh gia.

– New York có nhiều chương trình ưu đãi cho các nghệ sĩ. Chẳng hạn họ sẽ cho nghệ sĩ ăn ở miễn phí để sáng tạo nghệ thuật và học hỏi lẫn nhau trong nhiều tháng (tương tự như các start-up hub ấy nhỉ?) Tầm một hai năm nữa, khi Jade có thể tự đi học, anh sẽ đăng ký chương trình đó. – ngồi trong studio tương đối đơn sắc của mình, Juan Pablo mơ màng đến một tương lai với gam màu rực rỡ.

Nàng bỗng tự hỏi: thế nào thì được coi là nghệ sĩ đây? “Nghệ sĩ” hình như chỉ được dùng cho những người làm hình ảnh và âm thanh. Còn những người viết như nàng, có thể coi là nghệ sĩ hay không?

– Anh Juan Pablo, em không vẽ tranh, không chụp ảnh, không nhảy múa không hát không sáng tác nhạc. Nhưng em viết. Trong tác phẩm của em có tranh ảnh, có âm nhạc. Em cũng muốn làm nghệ sĩ.

“Em nghĩ rằng chỉ cần người ta có trái tim yêu nghệ thuật, và thể hiện tình yêu đó ra theo ngôn ngữ mà họ làm tốt nhất, thì họ đã là nghệ sĩ rồi” – nàng nói với anh, nhưng là nói với chính bản thân.