Ba mươi. Manhattan

– Ted, em đã ở New York cả tuần rồi mà em chưa cảm nhận được New York là thế nào!

Ted mở mắt tỉnh dậy. Anh thở dài:
– Anh cũng đang thế đây!

Ted đến quận Manhattan (khu vực trung tâm nhất của thành phố New York) từ lúc Thư còn đương ở Berkeley, rồi anh đã đi Canada rồi về New York vào một ngày mưa gió. Tất bật với mọi việc phải làm, lúc anh đón được Thư tới New York đến nay, ông trời chỉ biết có mỗi một việc, đó là đổ mưa.

Riêng có một ngày, lúc nàng còn ở nhà của Steffie ở quận Brooklyn, thì trời khá đẹp. Nàng và Ted hẹn hò với nhau ở Promenade, đó là một bờ sông thơ mộng nhìn sang quận Manhattan. “Anh có biết những bản nhạc Promenade trong nhạc cổ điển không, Ted?” – nàng thẩn tha hỏi. “Là gì vậy nhỉ?” A Ted tha thẩn trả lời. “Em nhớ có những bản nhạc cổ điển được đặt tên là Promenade, dạng như khúc nhạc đi dạo chơi. Kế đó là Serenade – khúc nhạc chiều, mà em thích nhất những bản Nocturne – dạ khúc”. Con đường Promenade ở Brooklyn hôm đó làm nàng ngân nga một bản dạ khúc nào đó của Chopin.

– Ngoài cái ngày đó ra, thì không còn cái ngày nào cả! – Bây giờ, nằm co ro trong chăn, nàng nhấn mạnh. Điện thoại của hai người liên tục cảnh báo lũ quét, khuyến cáo người dân không được ra đường và không được dùng tàu điện ngầm. Chopin có sống lại, nếu ở Manhattan những ngày giông bão này, chắc hẳn ông ấy sẽ sáng tác một loại nhạc khúc mới, mà tên của nó có thể là “Quejuanade” (kế-hoạch-nát) chẳng hạn.

Ted cũng chẳng vui hơn. Kể trời có đẹp đi nữa, thì anh cũng phải đâm đầu làm việc để trả nợ deadline cho hai hai dự án khác nhau. Ngày đẹp thì anh vào thư viện, mà ngày mưa thì anh làm việc ở nhà.

Nói đến “nhà” mới nhớ. Chào mừng bạn đến nhà của Ariel, một nghệ sĩ New York chính hiệu. Ban đầu khi nghe tên Ariel, biết cô là một vũ công, người mẫu vẽ, mà nhất là một nhạc công đàn hạc, thì Thư tưởng tượng cô đích thị là nàng tiên cá trong truyền thuyết. Đến nỗi khi Ted đã cảnh báo rằng “nhà đấy nhỏ mà nhiều đồ lắm đấy nhé”, thì nàng cũng nghĩ rằng, “ôi dào, thì nàng tiên cá của Disney cũng sưu tầm đủ đồ hầm bà lằng cơ mà!” Nhưng phải đến tận nơi, thì nàng mới hiểu cái “sào huyệt” của tiên cá ngoài đời thật nó kinh hoàng như thế nào. Gần như không có một cái gì gọi là tường; thực ra là tường là một thứ có thể đang tồn tại, chỉ có điều nó sẽ là những nét đứt đằng sau rất nhiều thùng và hộp – những thứ cũng là nét đứt sau sự chồng chất của quần áo mà vì ở New York nên người ta sẽ bấm bụng xem rằng nó là một loại nghệ thuật sắp đặt, mà mớ quần áo đó cũng lại được vùi đằng sau dăm mảnh vải lớn, chẳng biết được dùng như những tấm bạt che, hay như những lá cờ phất lên niềm kiêu hãnh của những tháng năm hào hùng tích luỹ đồng nát. Thư tới nhà Ariel mà tưởng như sống trong một bộ não của một người nghệ sĩ.

Mỗi năm một mùa thu, Ted cố gắng bay về Manhattan và ở nhà của cô để ngó nghiêng xem New York liệu đã chào đón anh quay lại. “Thật may vì có Ariel, cô ấy quý anh nên sẵn sàng cho anh ở đây, mà anh chỉ cần trả tiền thuê nhà nho nhỏ mỗi khi anh tới. Nhưng ngoài việc nó rẻ ra thì anh chẳng thiết cái chỗ này tí nào”. Lần này, Ted quay lại, dắt díu theo cả một cô người tình từ Việt Nam. Tiên cá Ariel nhiệt tình chào đón bằng cách… lặn mất tăm, vì căn nhà coi như không đủ chỗ cho ba người. Cô qua nhà bạn trai ở.

– Ted này, thế bình thường anh đến đây thì anh ngủ ở đâu?
– Anh ngủ ở trên giường này thôi.
– Cái giường tầng này ý hả? Mà tầng dưới là chỗ để kho và quần áo mà. Thế thì Ariel nằm đâu?
– Thì cũng trên cái giường này.
– Ơ thế tức là nằm ngủ cạnh nhau luôn ấy hả? – nàng tò mò.
– Thế chứ chả lẽ nằm chồng lên nhau? Mà lịch anh với cô ấy cũng khá lệch nhau, nên hôm nào ai cần ra ngoài đường sớm thì phải ra sofa ngủ – ý Ted là chiếc sofa đang chất chứa các loại thiết bị điện tử, chăn gối, và những đồ đạc không biết gọi tên là gì.

Trong chiếc nhà này, chỗ để tắm thì nằm trong phòng bếp. Gọi là “chỗ để tắm” vì nó đúng như vậy theo nghĩa đen, khi mà toilet thì không nằm ở trong căn hộ. Ngày trước, toà nhà này mỗi tầng sẽ chung nhau một cái toilet. Sau này nó được cơi nới, toilet nằm trong căn hộ, nhưng trục của Ariel ở góc và không đưa đường nước vào trong được. Nên trục của Ariel đều có toilet nằm bên ngoài. Nếu muốn đi vệ sinh, họ sẽ phải ra khỏi nhà và khoá cửa lại, đi ra đến cầu thang của toà chung cư, mở khoá phòng toilet, khéo léo xoay hai trăm bảy mươi độ thì sẽ ngồi được lên cái bồn cầu mà đầu không cụng phải dăm tầng chứa đồ rải từ nóc nhà đến ngang ngực (và treo trên trần là một cái xe đạp của Ted). Đến đi vệ sinh mà cũng như là đang trình diễn nghệ thuật chuyển động.

Mỗi lần nàng vô thức đặt một món đồ xuống đâu đó, thì nó biến mất.

– Anh ơi, cái nhà này nó lại ăn mất tất của em rồi! – nàng ăn vạ.
– Oh no! – Ted ôm mặt nức nở. Thư chắc chắn không để tìm đồ trong nhà này – nàng không đủ năng lực. Chỉ có anh kiễng chân, vặn mình, lết trên sàn nhà và trườn xuống gầm tủ, mặt lên tục đảo điên trái phải tìm tòi trong khi không được đụng phải cái gì kẻo nó lại nổi hứng rơi xuống đất.

Thư nhìn anh tìm đồ, nàng buột miệng:

– Ted này, em đã hiểu làm thế nào mà New York lại có nhiều nghệ sĩ múa đương đại làm vây: hoá ra chỉ cần đi tìm đồ trong những căn nhà chật hẹp như thế này!
– Hố hố! So sánh chí lí! – Ted cười khanh khách. Chính anh cũng từng là một vũ công đương đại, có lẽ vì vậy nên nay anh mới chuyên phụ trách tìm đồ cho nàng.

Trái ngược với anh, Thư không chỉ không có năng lực tìm đồ, mà nàng hoàn toàn không có khả năng nhận thức về không gian. Ted thấm thía điều này sâu sắc khi quan sát nàng đi đường, ngay từ ngày đầu tiên nàng đến Mỹ. Chỉ đi từ ô tô ra đến lều cách đó vài chục mét mà nàng cũng có thể đi lạc. Bản đồ thì không biết đọc. Đến chỗ đông người thì liên tục húc vào người ta, chỉ biết luống cuống cúi đầu xin lỗi. Thế mà chẳng hiểu sao nàng vẫn dám dấn thân đi du lịch một mình, mà đi từ đó đến giờ vẫn còn lành lặn. Nàng còn khoe đang học kỹ năng sinh tồn nơi hoang dã, học đánh lửa và nhận biết thức ăn trong rừng nữa chứ! Sinh tồn nơi hoang dã cái khỉ gì, khi đi trong thành phố cầm bản đồ còn không xong!

Đến nước này, anh mới hiểu ra rằng dù sống trong thế giới loài người, nhưng nàng vẫn luôn chìm đắm trong thế giới tưởng tượng của riêng mình, và để mặc cho người đi đường phải tự biết mà tránh nàng ra. Ted thở rất dài, nắm tay nàng đi mọi nơi trong thành phố, đến bãi cứt thì giật tay nàng lại, mà đến đèn xanh thì nới lỏng tay ra. Anh lái nàng đi như lái những phương tiện giao thông khác của mình. Nàng nhìn anh, lấy làm cảm động và lãng mạn lắm. Nhưng trong đầu Ted, chắc hẳn anh nghĩ “thà đi tìm tất cho nàng còn hơn đi tìm nàng”.

***

– Hôm nay em sẽ làm gì?

Thư bỗng trở về hiện tại. Nàng vẫn đang nằm co ro trên giường, trong ngày Manhattan mưa gió. Ted sẽ tiếp tục ngồi nhà làm việc. Buổi tối có thể anh sẽ đi nhảy.

– Em cũng chưa biết nữa. Em vẫn phải đi chuyển đồ của bố. Nếu tối nay vẫn mưa mà hết cảnh báo lũ quét, thôi thì em sẽ đi khám phá thế giới ngầm.

Tối ấy, nàng xuống thế giới ngầm thật.

New York có một hệ thống giao thông dưới lòng đất tuy cũ kỹ nhưng nghệ thuật. Mỗi tên bến tàu đều là một tác phẩm gốm sứ, nhiều bến tàu được vẽ nguyên mảng bằng tranh gốm. Có những bến, không gian được sử dụng như một khu shopping mall, hay là khu Grand Central Terminal – với nàng, nó là một kỳ quan, một bảo tàng sống động.

Manhattan tuy không có nhiều bảo tàng miễn phí như Washington DC, nhưng lại có những điểm đến miễn phí mà nguy nga như những bảo tàng. Chẳng hạn là bến Grand Central Terminal này, hay là một thư viện thành phố New York mà Ted sẽ đưa nàng đi mãi khi nàng chuẩn bị rời New York. Chúng tráng lệ, rất cổ kính, nhưng không chỉ để làm cảnh: chúng vẫn đang sống, đang tạo nên lịch sử mỗi ngày.

Thư tới New York mà không ngờ rằng có quá nhiều việc nhà cần giải quyết. New York không chỉ có nhiều bạn của ông nội nàng, mà còn bạn của bố nàng nữa. Nàng đi gửi sách về ông cho những người bạn của gia đình, tới gặp ai nàng cũng học được thêm nhiều điều về lịch sử của đất nước, và biết thêm nhiều điều về gia đình mình. Thông tin đến với nàng nhiều và đột ngột, khiến nàng không còn nhiều tâm trạng để đi chơi.

***

Rồi cuối cùng, trời cũng nắng lên. Nàng chỉ còn vỏn vẹn vài ngày ở New York.