Ba hai. DC

(Nhảy cóc từ chương ba mốt qua đây, bởi đã có một sự kiện cần viết nóng. Những chương ở giữa, tôi sẽ viết sau).

(Những gì trong đây là có thật, nhưng được nhìn qua lăng kính cá nhân của tôi).

***

Thời học sinh của Thư rải ở hai quốc gia, sáu trường học và thêm một lần chuyển lớp vào năm học thứ mười hai, là bảy môi trường học tập khác nhau. Vốn là một đứa trẻ khép kín, sự thay đổi này càng làm nàng trở nên thu mình. Bất đồng ngôn ngữ và bất đồng văn hoá làm cho nàng có khi rơi vào tình huống bị bắt nạt, cả ở Việt Nam lẫn Mỹ.

Khi ở Mỹ, gia đình Thư sống chắt chiu từng đồng vì bố mẹ nàng gánh một áp lực tài chính lớn. Mẹ nàng, vốn xuất thân từ một gia đình nông thôn tần tảo, đã làm mọi nghề có thể để trở thành chỗ dựa tài chính của gia đình thời ấy. Mới đầu sang Mỹ, bà đi làm lao công, chuyên lau dọn các toà chung cư. Rồi bà đi bưng phở, đi khâu khăn, đi trông trẻ. Bà làm quần quật đến mệt lả và cáu gắt. Những áp lực riêng của bố mẹ làm Thư mất kết nối với họ từ đó. Trong khi các bạn bắt đầu biết làm điệu và đi chơi, thì nàng vào cửa hàng CVS ngắm mỹ phẩm và cảm thấy thiếu thốn. Nàng mặc cảm với các bạn.

Đến năm lớp chín, khi hai người bạn Việt Nam thân nhất của nàng về nước, thì Thư cảm thấy mất hết chỗ dựa. Năm học ấy có lẽ nàng đã mắc trầm cảm. Nàng bứt tóc đến hói đầu, tóc bạc bắt đầu mọc từ những nơi kỳ lạ trên mặt, và giờ nghỉ trưa ở trường thì nàng nói chuyện với một cái cây. Cái cây đó trở thành một người bạn tốt của nàng, nàng nói chuyện với nó bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh, có lẽ đó là cách mà nàng luyện tiếng. Cây lắng nghe, che chở và vỗ về cho nàng. Nàng đặt tên cho cây là Rosa.

Khi về Việt Nam, nàng cũng lại sốc văn hoá. Bố mẹ nàng muốn nàng nhanh hoà nhập và không muốn nàng trông khá giả hơn các bạn, vì vậy họ cho nàng ăn mặc giản dị. Nhưng gu “giản dị” của mẹ nàng lúc ấy không may khiến nàng trở thành tâm điểm trêu chọc của các bạn, bởi vì trong mắt trẻ con hồi đó, nàng trông kệch cỡm và lạc mốt. Các bạn đã biết diện, đã biết tiêu tiền, còn gia đình nàng vẫn chắt chiu. Các bạn nói thẳng: “Mày đi Mỹ? Mỹ Tho thì có!” Nàng lầm lũi cắp sách đi học cho đến hết cấp ba của mình, cố làm sao để đuổi kịp kiến thức của các bạn để còn đậu đại học, để được bắt đầu mới.

Lần này, ở Việt Nam, thì không có cái cây nào ở bên cạnh nàng cả.

Phần tuổi thơ ở Washington DC với Thư hồi nhỏ và suốt đến sau này là một trải nghiệm nhiều nuối tiếc của nàng nhưng khó hiểu với nhiều người. Bởi vì sang Mỹ là một điều không tưởng trong hơn hai mươi năm sau, nên trong tiềm thức của nàng, tuổi thơ ở Mỹ là một con đường đứt gánh. Đều đặn nàng vẫn nằm mơ về Mỹ bất thành, và nàng thức dậy cảm thấy dằn vặt. Có lẽ một đứa trẻ tên Thư trong nàng đã bị bỏ lại ở DC, nó gọi nàng trở về để nhặt lại.

***

Thứ Sáu, ngày Sáu tháng Mười.

Ngay khi nàng đặt được vali vào nhà ông Mark (người cho nàng ở nhờ ở DC), thì hai bác cháu đã lập tức xuống đường và đi bộ tiến đến trường trung học cũ của nàng. Họ đi qua siêu thị Giant, cửa hàng mỹ phẩm CVS. Quang cảnh vừa quen, vừa lạ. Một số toà nhà mới được xây lên, quán Burger King nay đã trở thành quán phở…

Đường đến trường của Thư không khó, nàng vẫn nhớ như in. Họ đi qua trường Murch của Huyền và Trang (hai người em thân nhất của nàng ở Mỹ hồi ấy), đi qua cánh đồng xanh mướt quen thuộc thì đến được Alice Deal.

– Cháu vào trường xem, bác sẽ đứng đây chờ – ông Mark khuyến khích.

Nàng hồi hộp bước vào cổng chính. Đập vào mắt nàng là một cổng kiểm tra an ninh và một nữ bảo vệ. Điều không xảy ra trong quá khứ.

– Cô tìm gì? – người bảo vệ lạnh lùng. Sự lạnh lùng đó làm nàng khựng lại, không biết trình bày thế nào. Nhưng nàng vẫn nói:
– Chào chị. Tôi là học sinh cũ ở đây, tôi muốn về thăm trường…
– Không được – nữ bảo vệ ngắt lời – chúng tôi không được cho người lạ vào trường.
– Xin chị nghe tôi một chút – nàng lo lắng – tôi đã đi từ rất xa đến đây. Tôi ở…
– Chỉ có học sinh và phụ huynh được vào đây – người bảo vệ lại ngắt lời – Cô có phải phụ huynh hoặc học sinh không?
– Tôi là cựu học sinh…
– Vậy cô không thể vào. Mời cô đi cho! – nữ bảo vệ gắt giọng.

Nàng cụp mắt xuống, sau đó hướng lên khẩn khoản:
– Cảm ơn chị đã thời gian cho tôi. Có cách nào để tôi liên hệ với ai đó có thể cho tôi vào không?
– Cô cần tìm gặp ai trong này?
– Tôi biết một vài giáo viên, nhưng không biết họ còn dạy ở đây không…
– Nếu cô không quen ai thì cô về cho! – Nữ bảo vệ ánh lên sự hung dữ.

Thất vọng lắm, nàng bước ra khỏi cổng. Ông Mark đã chờ sẵn.

– Thế nào? – ông Mark hỏi
– Có bảo vệ ở đó. Họ không cho cháu vào.
– Bác đã nói rồi. Nước Mỹ đã không còn như xưa nữa. Giờ thì trường học được bảo vệ nghiêm ngặt. Thật đáng xấu hổ.
– Phải rồi, sau các cuộc xả súng vào trường học thì người ta đã phải làm như vậy – nàng buồn bã đáp – Cháu muốn loanh quanh ở đây thêm một lúc.
– Vậy bác về trước nhé! – Ông Mark chào và thủng thỉnh ra về.

Còn lại một mình, Thư tha thẩn đi quanh toà nhà. Trường học đã xây thêm những toà mới, cánh đồng cỏ xanh mướt đằng sau trường ngày xưa nay đã thành hai toà nhà to tướng. Cây Rosa của nàng không biết còn hay không, nàng hy vọng vẫn còn, bởi có vẻ như khu ấy vẫn chưa xây gì lên. Nhưng vì chỉ đứng ngoài nên nàng không chắc chắn. “Rosa” – nàng gọi thầm – “cậu có nghe thấy tớ không? Cậu hãy vận dụng năng lực siêu phàm của thiên nhiên để đưa tớ đến với cậu nhé! Tớ sẽ vào được!”

Đang loanh quanh, nàng thấy một người bước ra khỏi cổng chính. Nàng chạy lại:
– Chào chị, chị làm ở đây à?
– Vâng xin chào, tôi làm ở đây – người phụ nữ mỉm cười thân thiện.
– May mắn cho tôi quá! Tôi là học sinh cũ, tôi học ở đây hơn hai mươi năm trước. Giờ tôi muốn về thăm trường. Chị có biết tôi có thể làm gì không?
– Cô có thể gửi email đến cô Ebonee, cô ấy là giám đốc hậu cần. Nhưng chúng tôi nghỉ lễ từ giờ đến thứ Ba tuần sau mới đi làm đấy.

Trong nhiều năm, Thư đã làm nhiều cách, từ gửi thư lẫn nhắn tin facebook đến trường nhưng không nhận được phản hồi. Ít nhất lần này còn có một cái tên người có thẩm quyền. Thư chép vội thông tin vào giấy và cảm ơn người phụ nữ. Ngọn lửa hy vọng của nàng được dấy lên. Nàng ra về, đi qua bãi cỏ trên đường về nhà. Ở bãi cỏ này cũng có một cái cây, mà nàng cũng từng thi thoảng nói chuyện.

“Xin chào bạn cũ. Tớ là Thư đây, tớ đã về rồi!” – đặt tay lên thân cây, nàng khóc.
“Cậu có nhớ tớ không? Khó khăn lắm tớ mới quay lại.”
“Người ta không cho tớ vào trường. Tớ phải làm thế nào đây?”
“Rosa còn sống không? Hay người ta chặt Rosa rồi?”
“Cậu có thể kết nối với Rosa không? Cậu hãy nói với Rosa rằng tớ đã trở lại đi!”

Nàng ngồi ở gốc cây một lúc, nhận ra rằng mình chưa từng bao giờ đặt tên cho nó.
“Giờ tớ phải về đã, tớ sẽ quay lại với một cái tên cho cậu nhé!” Nói đoạn, nàng đứng dậy ra về.

***

Chủ nhật, ngày Tám tháng Mười.

Thư quay trở lại phố P. Hồi bé, nàng có một năm sống ở đây và học trường cấp 2 Francis. Khu này nàng nhớ gần như không có người da trắng ở. Đến nỗi, khi đi học, trong một vở kịch nói về phong trào vùng lên của người da đen, trường còn muốn cho nàng diễn vai người da trắng.

Cạnh nhà hồi đó là một cánh rừng nhỏ, được đặt tên là “Rock Creek Park”. Cánh rừng này hẹp nhưng trải dài, nó mọc um tum đến đáng sợ. Mẹ nàng thi thoảng dẫn nàng vào đây để hái ngải cứu dại về nấu ăn.

Ngày nay, “khu rừng” đã được san phẳng và trải cỏ, để mọi người có thể đi pinic. Chỉ có một số cây còn được giữ lại. Con suối giờ trở nên lộ thiên. Hồi bé nàng chỉ nghe tiếng nước chảy, chứ chưa nhìn thấy nó.

Thư mang bữa trưa đến ngồi trên bãi cỏ. Nàng lờ mờ nhận ra rằng quang cảnh ở đây khá giống với một số giấc mơ mà nàng không biết là gắn với nước Mỹ. Hoá ra hệ thống “giấc mơ Mỹ” của nàng lại rối ren đến vậy. Nàng cảm thấy bị nuốt chửng bởi quá khứ của mình.

Nàng đã đi các cửa hàng CVS ở Mỹ, đến Kleinfeld Bridal, đã đến hai ngôi trường ở DC, mà đứa trẻ bên trong nàng vẫn còn hờn dỗi. Nàng vẫn chưa tìm được sự bình yên bên trong, trong khi đã làm mọi thứ có thể. Nó cần gì ở nàng nữa?

Nàng xuống bên bờ suối, ngồi lên một khúc cây, nhìn nước chảy và lá thu rơi. Cảnh tượng này nàng đã không thấy hồi bé. Nàng nghĩ đến lời của ông Tom Wilber cách đó mấy ngày: “Bác nghĩ chúng ta không cần phải tìm về nguồn cội của sự sống, rằng loài người có từ bao giờ, và Đấng Tối cao nào đã tạo ra chúng ta. Chúng ta cần sống trọn vẹn ngày hôm nay”. Ông Tom Wilber vừa quy y cửa Phật cách đây gần hai tháng. Ông vốn sinh ra trong một gia đình Công giáo và là một thạc sĩ Tôn giáo học. Sau tất cả những kiến thức đa tôn giáo, ông nương vào một nhánh Phật giáo khiến ông nhận ra rằng mọi thứ vốn rất đơn sơ, và rằng cát bụi sẽ trở thành cát bụi.

Nhìn dòng sông trôi, và nhớ lời nói của ông Tom, bỗng nhiên nàng thấy rằng, có lẽ nàng sống cho đứa trẻ ấy đến đây là đủ. Nàng cần phải xây thêm kỷ niệm mới ở thành phố DC này, chứ không thể chỉ chìm đắm mãi trong quá khứ.

“Thư ơi” – nàng cất giọng. Khi gọi chính tên mình thành tiếng, nàng cảm thấy rung động và mắt đã bắt đầu cay. Trái tim nàng chạm được vào trái tim đứa trẻ. Nàng nói đứt đoạn:
“Em có nghe thấy chị nói không?”
“Chị đã đến Mỹ rồi, chị đã quay lại với em rồi đây.”
“Chị đã cố gắng nhất có thể. Giờ chị đã gặp được em rồi. Chị rất vui vì gặp lại em. Chị hy vọng em cũng vui.”
“Chị sắp phải về nơi chị thuộc về. Em có thể ở lại đây nếu em muốn. Hoặc em có thể đi theo chị.”
“Từ nay, chị sẽ không đi theo em nữa. Chị sẽ sống cho chị.”
“Xin dòng suối này và cánh rừng này chứng giám cho lời nói của tôi hôm nay.” – đáp lại lời của nàng, một làn gió thổi qua, tán cây xào xạc, thả một lớp lá bay la đà xuống mặt nước. Ngay khi tự cất lời nói chuyện với quá khứ của mình, nàng bỗng nhận thấy tảng đá đè lên trái tim nàng đã trở nên dịu dàng hơn.

Kể từ lúc ấy, mỗi khắc trôi qua, nàng cảm thấy nàng chạm gần hơn đến sự bình yên trong tâm hồn.

(Vì bài viết đã dài, tôi xin tạm cắt ở đây. Ở chương sau sẽ là một cuộc gặp gỡ định mệnh vào ngày hôm qua mùng Mười tháng Mười, một người phụ nữ nói rằng có thể cô ấy đã được Chúa sắp đặt để giúp cho hành trình tâm linh của nàng. Rosa có còn sống hay không? Mời bạn đọc tiếp chương sau).