Ba ba. Rosa và Will

Dù lòng đã nhẹ hơn, Thư vẫn muốn vào trường thăm chốn cũ, và thăm cây Rosa của mình.

trong tay địa chỉ email của Ebonee – giám đốc hậu cần của trường Alice Deal, nàng viết một bức thư chân thành và đủ ngắn gọn, gửi đi. Đến sáng thứ ba, khi trường học mở lại sau lễ, nàng hồi hộp refresh hòm thư của mình liên tục. Ebonee không phản hồi (và cho đến giờ cũng chưa phản hồi).

Sáng thứ ba, ngày Mười tháng Mười, nàng xách ba lô đến thư viện Tentley-Friendship. Ngày bé, nàng chỉ loanh quanh từ nhà đến trường, rồi đến thư viện. Thư viện Tentley-Friendship đã được làm mới hoàn toàn. Giờ nó có hai tầng, được sơn đỏ nổi bật và trông rất hiện đại. Nàng chụp ảnh con đường, toà chung cư, và thư viện gửi Huyền và Trang. Họ thốt lên: “sao thư viện khác quá!” Trang nay đã ở Đức, Huyền ở Hà Nội, còn nàng ở DC. Tất cả họ bồi hồi nhớ lại những ngày tháng cũ.

Nàng cắp balo lên tầng hai, làm việc một lúc. Có một âm thanh ù ù đằng sau lưng, ngày một lớn. Nàng và người ngồi cạnh cùng quay lưng lại. Đó không phải là tiếng máy hút bụi, đó là âm thanh của một người phát ra. Một người đàn ông da đen ngồi ghế, liên tục ú ớ và rung lắc.

Ở Mỹ, không hiếm gặp những người có vấn đề tâm thần trên đường phố. Họ la hét, họ nói nhảm, có người còn cầm dao ra đường. Từ California, sang đến bờ New York, giờ là DC, đi đâu nàng cũng thấy. Mà họ chủ yếu là người da đen, thi thoảng có người Hispanic. Chi phí y tế quá cao khiến họ không được chữa trị.

Bắt gặp Thư quay đầu lại nhìn, người đàn ông dừng ầm ĩ và giơ tay chào. Nàng cười, giơ tay chào lại, phần vì lo nếu không đáp lại thì nhỡ họ nổi điên giết mình mất, phần vì nàng muốn chia sẻ một chút tình người. Sau khi chào nhau, người đàn ông có vẻ cảm thấy được trấn an và yên lặng một lúc, rồi bắt đầu lại phát ra những tiếng ù ù. Anh chủ động gọi Thư: “hey!” Nàng quay lại, lần này tiến đến bên cạnh người đàn ông và mỉm cười: “Anh cần tôi giúp gì không?”

Người đàn ông chỉ vào cuốn sách trên đùi: “máy bay!” “Đúng rồi, là máy bay đó!” – nàng hưởng ứng, cho rằng tiếng ù ù anh ta phát ra chắc là để mô phỏng theo tiếng máy bay. Người đàn ông nhìn nàng và cười thân thiện. Nàng cười lại, rồi về chỗ làm việc tiếp.

Lúc này đã đến một rưỡi chiều. Nàng nghĩ bụng sẽ đến chỗ cái cây ở bãi cỏ cạnh trường để ngồi ăn. “Phải rồi, mình vẫn chưa đặt tên cho nó” – nàng nhớ ra, và ngẫm nghĩ xem đặt tên nào cho đẹp.

Đường đến bãi cỏ ấy không xa, nhưng nàng đi đường vòng để ngắm nhìn quang cảnh. Nhưng thế nào nàng lại dừng lại ở cổng trường. Đã hai giờ chiều. Nàng đứng nhìn trường, và quyết định lại đi vào đó, dù cho Ebonee chưa hồi đáp.

Nàng mở cổng bước vào. Ở cổng an ninh, là một nữ bảo vệ khác người bảo vệ hôm trước.

– Cô tìm gì ở đây? – nữ bảo vệ hỏi.
– Xin chào buổi… xin chào buổi chiều! – nàng nói lắp bắp. Nàng lúng túng đến độ nói tiếng Anh không sõi nữa. Bởi vì quy trình máy móc hôm vừa rồi đã lặp lại. – Tôi là cựu sinh viên, tôi…tôi muốn vào thăm lại trường.

Người nữ bảo vệ nhìn nàng không đáp. Nàng hít một hơi, cố gắng trình bày câu chuyện của mình dễ hiểu và ngắn gọn.

– Cô vào trong đi, rẽ trái đến phòng tiếp đón (Welcome center) trình bày với họ nhé. Đặt túi ở đây để tôi soi đã.
– Cảm ơn chị! Cảm ơn chị rất nhiều! – nàng cúi rạp người biết ơn, nhanh chóng làm thủ tục soát hành lý, rồi mở cửa bước vào.

Trường Alice Deal ở bên trong trông đẹp hơn trước: sáng sủa hơn, màu sắc hơn, hiện đại hơn. Học sinh đi ngang, cười nói. Nàng như thấy chính mình hồi ấy cũng xuất hiện và đi lại. Nàng giơ máy ảnh, chụp vội vài tấm. Bởi nàng vẫn còn phải xin phép chính thức để được đi lại trong này.

Nàng tiến vào phòng tiếp đón (welcome center). Ngày xưa người ta chỉ gọi nó đơn giản là “văn phòng chính” (main office). Một người phụ nữ ngồi ở quầy làm việc, đang trả lời hai học sinh. Nàng chờ mãi thì họ cũng nói chuyện xong. Người phụ nữ quay tới nàng và hỏi:

– Xin chào, cô cần gì?
– Xin chào, tôi là học sinh cũ ở đây, tôi học ở đây hơn hai mươi năm trước…
– Thế thì cô cần gì? – người phụ nữ hỏi. Cô ta có vẻ sốt ruột. Rồi có chuông gọi đến, cô ta nhấc máy trả lời. Nàng lại chờ đến khi cô ta gác máy thì nói tiếp:
– Tôi từ xa đến, tôi muốn vào thăm trường…
– Chúng tôi không cho cô vào được, ở đây không có chính sách đấy. Cô phải đi ra khỏi đây.
– Tôi chỉ là học sinh cũ muốn vào một lần thôi mà khó khăn vậy hay sao? Phải có cách gì đó chứ? – nàng bất bình, mắt bắt đầu đỏ
– Tôi đã nói rồi, chúng tôi không thể cho cô vào, đó là quy định! Cô muốn liên hệ thì cô gửi email đến trường – Nói dứt lời, cô ta lại nhấc điện thoại lên bấm máy. Nàng vẫn tiếp tục chờ.

Nàng chờ hồi lâu, người phụ nữ vẫn rủ rỉ qua điện thoại. Rồi cô ta bấm gì đó, tai vẫn áp vào máy điện thoại, có lẽ như đang chờ bên kia nối máy, nhưng vẫn không giải quyết cho nàng. Nàng quyết định chen ngang. Nàng lớn tiếng:

– Tôi cần chị lắng nghe tôi. Tôi còn chưa nói xong câu chuyện của tôi!
– Tôi đã bảo cô rồi đấy, cô cần thì lên website mà hỏi! – người phụ nữ cũng lớn tiếng lại, rồi quay sang nói chuyện với điện thoại tiếp.

Nàng không thể chờ đợi nữa. Nàng nổi đoá và nói một tràng dài:

– Không, nghe này! Tôi đã làm mọi thứ có thể. Tôi đã gửi email, đã nhắn tin facebook, TÔI ĐÃ LÀM MỌI CÁCH CÓ THỂ. KHÔNG AI TRẢ LỜI TÔI CẢ. TÔI ĐẾN ĐỂ AI ĐÓ CÓ THỂ TRẢ LỜI!
– NẾU CÔ KHÔNG RA VỀ THÌ TÔI SẼ GỌI BẢO VỆ ĐẤY! – Người phụ nữ cũng lớn tiếng đáp lại. Cô ta gác máy, rồi nhấc máy lên bấm một số khác, rủ rỉ gì đó. Tai nàng ù đi, nàng không còn nghe được hay quan tâm rằng cô ta có đang gọi bảo vệ hay không. Nàng vẫn nói tiếp:
– CÔ KHÔNG CẦN GỌI BẢO VỆ! TÔI KHÔNG CÒN QUAN TÂM TÔI CÓ ĐƯỢC VÀO ĐÂY KHÔNG NỮA. NHƯNG ÍT NHẤT CÔ PHẢI NGHE TÔI TRÌNH BÀY CHO HẾT. CÔ KHÔNG THỂ LẮNG NGHE CHO HẾT MỘT CÂU CHUYỆN HAY SAO?
– TÔI RẤT BẬN. CÔ CÓ RA KHỎI ĐÂY HAY KHÔNG?

Nàng tức tưởi bỏ ra ngoài. Nước mắt nàng chảy ròng ròng, ngôi trường cũ của nàng trông nhoè nhoẹt. Một nữ bảo vệ tiến về hướng nàng và hỏi:

– Cô ổn chứ?

Thông thường, khi ai đó hỏi “bạn ổn không?”, thì đối phương sẽ trả lời “tôi ổn”, tự động như câu “Hello how are you – I’m fine thank you and you?” Nhưng lần này, nàng hít một hơi, nhìn vào mắt người bảo vệ, và nói:

– Không, tôi không ổn.
– Có chuyện gì vậy?
– Tôi muốn vào đây – nàng oà khóc. Ở đây là tuổi thơ của tôi. Nhưng không ai lắng nghe tôi hết. Tôi còn không nói được hết chuyện của tôi thì họ đã đuổi tôi đi rồi!
– Thôi cô đi với tôi ra ngoài rồi nói chuyện nhé!

Người bảo vệ ái ngại dẫn nàng ra khỏi trường. Cổng trường đóng lại sau lưng nàng: nàng chỉ có thể tiến vào trường sâu được đến đó. Nàng khóc tức tưởi.

– Cô có chuyện gì nào? – Người phụ nữ nhẹ nhàng hỏi.

Nàng kể chuyện của mình một cách lộn xộn, ngắt quãng giữa những lần chùi nước mắt và nước mũi. Trong đó, nàng có nói “Tôi từ Việt Nam sang đây để về lại trường này, để tôi không còn phải nằm mơ những giấc mơ mệt mỏi đó nữa. Tôi muốn được sống tiếp mà không phải dằn vặt nữa.”

“Nhưng không ai cho tôi cơ hội để tôi ít nhất còn được nói đến khúc này. Cảm ơn chị đã lắng nghe! Thật mất thời gian cho chị quá!” – nàng nhìn người bảo vệ, biết ơn. Nàng chùi mắt, quay đầu chuẩn bị ra về.

– Có gì trong này mà cô muốn gặp lại đến như vậy? – Người phụ nữ hỏi với theo.
– Có một cái cây.
– Một cái cây à? – người phụ nữ nhíu mày.
– Phải, một cái cây. Nó ở tầm chỗ kia, đằng sau toà này, trước toà sau đó.
– Không có cái cây nào ở đó đâu. Chắc nó bị chặt rồi.
– Tôi cũng đoán được. Nhưng dù thế, tôi vẫn muốn vào nhìn tận mắt.
– Tại sao cô đến tận đây chỉ để tìm lại một cái cây?
– Hồi ấy tôi có nhiều stress. Tiếng Anh của tôi cũng không tốt, nên tôi ít bạn. Tôi ngồi cạnh nó mỗi buổi trưa và nói chuyện với nó. Nó giúp tôi được khuây khoả hơn. Nó là người bạn tốt nhất của tôi.

Người bảo vệ im lặng một lát rồi nói chậm rãi: “Tôi nghĩ tôi có thể dẫn cô đến chỗ cái cây đó được.”

Nàng không tin ở tai mình. “Chị sẽ dẫn tôi vào trường ư?” – nàng hỏi. “Nhưng cô chờ ở đây đã, tôi phải vào nói chuyện với mấy người ở bên trong” – người bảo vệ đáp. Chị ta ra hiệu cho nàng đứng ở ngoài cổng chờ.

Nàng đứng ngoài, sự xúc động chảy dài hai má. Nàng liên tục chùi mắt, không muốn mình trông thảm hại, nhưng nước mắt vẫn cứ chảy ra. Cổng trường lại mở. Bước ra là người nữ bảo vệ hồi nãy, hộ tống một người phụ nữ da màu lớn tuổi mặc váy hoa xanh.

– Xin chào cô! Cô tên gì? – người phụ nữ váy hoa cất lời.
– Xin chào bà! Tôi là Thư, cựu học sinh từ Việt Nam – nàng hoang mang.
– Tôi là Neal, hiệu trưởng hiện tại ở đây. Tôi nghe nói cô muốn vào thăm trường?
– Vâng! Tôi học xong hồi 2002 thì về Việt Nam, tới giờ mới quay lại DC. Tôi có nhiều kỷ niệm ở đây nên muốn vào lại một lần.
– Kỷ niệm ở đây à? Kỷ niệm xấu hay tốt?
– Kỷ niệm tốt chứ! (Nàng nghĩ trong bụng, nếu bảo là kỷ niệm xấu thì chắc họ sẽ đuổi nàng đi vì sợ nàng xả súng vào trường).
– Cô có nhớ giáo viên nào không?
– Tôi nhớ thầy tiếng Anh của tôi, thầy ấy tên Hughes!
– À thầy Hughes! Thấy ấy già rồi, không còn nữa. Ý tôi là thầy ấy nghỉ làm rồi, còn vẫn sống.
– Tôi là học trò thầy ấy quý nhất vào năm đó. Thầy ấy đã truyền cảm hứng viết lách cho tôi rất nhiều. Nay tôi đã là tác giả sách rồi, tôi ước thầy ấy biết được.
– Wow, giỏi quá! – Bà hiệu trưởng và người bảo vệ cùng lấy làm ngạc nhiên – Còn hiệu trưởng của cô hồi ấy là ai nhỉ? Phải thầy Moss không?
– Vâng, chính là ông ấy! – nàng cười mừng rỡ. Đã hai mấy năm nàng không còn nhớ đến cái tên này.
– Cô thấy đấy, tình trạng nhà trường đã khác xưa. Ngày xưa trường cũng có bảo vệ, chẳng qua học sinh không biết thôi. Còn giờ thì trường nào cũng có một đoàn bảo vệ, có thiết bị an ninh, có cả xe cảnh sát ở chỗ kia nữa. Người ngoài không được vào trường. Phụ huynh muốn vào trường thì cũng phải có lịch hẹn trước.
– Vâng, nhưng tôi đã làm mọi cách có thể mà không ai trả lời. Nên tôi mới phải làm cách này.
– Thôi được, người bảo vệ này sẽ dẫn cô đi vào trường một lát như cô muốn.
– Cảm ơn bà nhiều lắm! Tôi rất biết ơn! Trường học cần những người giàu lòng tốt như bà! – nàng cúi rạp người mừng rỡ.
– Các trường học cần nhiều người như tôi cũng như những cộng sự của tôi – người hiệu trưởng khiêm tốn, cười và tiến vào trong cổng.

Còn lại Thư và người nữ bảo vệ. “Cô đi theo tôi nhé!” – người bảo vệ nói. “Tôi dẫn cô vào từ cửa đằng sau”.

Người nữ bảo vệ tên là Jeter, trưởng ban bảo vệ của trường Alice Deal. Chị dẫn nàng đi nửa vòng quanh trường, giới thiệu cho nàng những toà mới xây. Sau đó chị cho nàng vào từ phòng thể dục, nằm trong một toà mới. Tiếng bóng rổ đập xuống sàn thình thịch nghe vẫn như ngày nào. Chị đưa nàng vào khu nghỉ trưa cũ. Nay nó đã được phủ gạch bê tông. Khu đất trồng cây và những hàng ghế dưới tán cây đã không còn nữa. Không còn Rosa ở đó.

– Họ chặt cây của tôi rồi – nàng lẩm bẩm cho chính mình.
– Vâng. Họ cải tạo lại chỗ này, chỉ để hai cây nhỏ lại.

Nàng đứng nhìn sân hồi lâu. Rất nhiều hình ảnh và cảm xúc đua nhau trào ra trong tâm trí của nàng. Nàng nghĩ thầm: “Rosa, tớ đã tìm về với cậu rồi đây. Chào cậu nhé!”

Chậm rãi, nàng quay lại nói với Jeter:

– Tôi đã cảm thấy khá hơn nhiều. Tôi đã sẵn sàng về rồi.
– Để tôi đưa cô ra – Jeter nói. Chị từ tốn hộ tống nàng ra bằng một cửa khác.

Vừa đi, họ vừa nói chuyện.

– Chị Jeter ạ, dù rằng cây của tôi không còn, nhưng biết được số phận của nó khiến tôi thấy thanh thản hơn là việc mãi mãi không tìm được đến nó. Cái cây ấy với tôi là một con người, nó là một người thân của tôi.
– Chắc hẳn cô đã có một thời gian cô đơn ở đây, và cái cây đó giúp cô chữa lành.
– Đúng rồi. Hồi đó tiếng Anh của tôi nào đã như bây giờ. Nhưng chị tin không, cây cối có thể nghe hiểu được mọi ngôn ngữ. Chúng cũng không bao giờ phán xét.
– Tôi không ở trong hoàn cảnh đó của cô, nhưng tôi có thể tưởng tượng được một đứa trẻ chuyển đến đây từ nửa vòng trái đất, không bạn bè, không biết tiếng. Học hành chắc cũng nhiều bỡ ngỡ, cũng không có nơi nào để đi. Quả thật khó khăn cho cô!
– Chị tưởng tượng gần chính xác đấy! – nàng mỉm cười. Sự cảm thông (empathy) quả là một trong những siêu năng lực mạnh mẽ nhất trên đời này: dù ai đó không ở trong hoàn cảnh của bạn nhưng họ có thể lắng nghe, cảm nhận được, hiểu được cho bạn. Sự cảm thông là một nghĩa cử bình dị nhất của lòng tốt; và nếu phép màu có thật trên đời này, thì lòng tốt chính là câu thần chú dẫn đến phép màu ấy. Ngày xưa, nàng tìm được cảm thông từ một cái cây. Hôm ấy, nàng tìm được cảm thông từ một người nữ bảo vệ.

Họ đi cùng nhau một đoạn, thì đã hết đường.

– Chị Jeter, tôi không biết lấy gì để cảm ơn chị. Nhưng tôi chân thành biết ơn và sẽ ghi nhớ mãi.
– Có gì đâu. Tôi nhìn thấy cô quanh quẩn ở đây từ tuần trước. Tôi nghe chuyện cô kể, nó rất cảm động. Cô là người có thế giới tâm linh rộng lớn. Tôi cũng tin vào tâm linh. Tôi tin rằng chúng ta gặp nhau là có lý do. Có thể Chúa đã bài trí cho tôi làm việc ở đây chờ ngày đón cô trở lại!

Có lẽ là như vậy? Tôi nghĩ, trong khi đang viết những dòng chữ này. Có lẽ Rosa có linh thiêng thật. Có lẽ nó đã xin ông trời dàn xếp để đưa nàng vào nói lời từ biệt lần cuối.

Thư và Jeter ôm nhau bịn rịn, chúc nhau có một hành trình tâm hồn bình yên.

Nàng bước đi, đến bãi cỏ, nơi có cái cây còn lại. Nàng đặt tay lên gốc cây: “Chào cậu. Rosa đã đi rồi.”

Cái cây im lặng một lúc lâu, rồi nó xào xạc.

“Mà tớ đã có tên cho cậu. Tên cậu là Will!”

Cái tên đó đến trong đầu nàng đơn giản như định mệnh. Nàng không mất công nghĩ. “Will” là một tên người (viết tắt của “William”), mà cũng có nghĩa là “Ý chí”.

“Giờ chỉ còn mình cậu thôi đấy nhé. Phấn đấu đừng để bị chặt nhé!”
“Will, cậu cho tớ bẻ một miếng vỏ tớ mang cậu đi theo tớ nhé?” – nàng hỏi. Will trầm ngâm, do dự.
“Cậu cứ nghĩ đi, tớ ăn trưa rồi tớ hỏi lại sau”. Nói đoạn, nàng gỡ balo, ngồi dựa vào gốc cây.

Trong khi nhấm nháp bữa trưa của mình, nàng mới nhận ra dưới gốc cây là những cành củi nhỏ. “Will, mấy khúc củi này có phải từ cậu mà ra không? … Mà thôi, cứ cho đó là từ cậu đi, tớ sẽ mang nó về. Của cậu đấy nhé!” Nàng nhặt khúc to đẹp nhất, nghĩ ra khi về sẽ làm đủ thứ với nó. Nàng sẽ cưa một mảnh ra để làm cái gì đó đeo trên người.

“Cảm ơn Will. Giờ tớ đi đây. Cậu ở lại mạnh giỏi nhé. Tớ không hẹn ngày quay lại.”

Nàng đặt tay lên thân cây, chào nó lần cuối, rồi đi mất.