Ba tư.

– Cùng một câu chuyện quay về trường cũ, cháu sẽ viết kiểu của cháu. Còn nếu là bác á, bác sẽ khai thác nó ở khía cạnh, gọi là “welcome center” nhưng việc họ làm lại là đuổi người ta đi. Đáng nhẽ nếu họ thông minh hơn, họ còn phải mời cháu đến nói chuyện với học sinh của trường để truyền cảm hứng cho chúng mới đúng!
– Cháu vào được bên trong đã là tốt lắm rồi. Nếu được như bác nói thì quả thật tốt, nhưng thế này cháu đã mãn nguyện trăm phần trăm! Mà bác biết không, cháu mới phát hiện ông Warren Buffett cũng học trường cháu đấy! Cả ông Bill Nye the Science Guy mà cháu học trên Masterclass nữa, ông ấy cũng trường cháu mà ra! – nàng vừa nói, vừa cẩn thận bọc cành cây nàng nhặt ở chỗ Will về.

Ông Mark cười tủm tỉm, sau khi húp một hụm trà nóng. Sáng nào, người chủ nhà Couchsurfing này cũng làm bữa sáng cho cả hai bác cháu. Ông nướng bánh mì, phết bơ lên, làm hai cốc trà nóng từ chiếc máy pha trà chuyên dụng, nướng thịt ba chỉ và chưng trứng. Trời lạnh thì mỗi người ngồi một sofa rồi nói chuyện với nhau xuyên qua hai cái bàn thấp chất đầy đồ đạc, còn trời ấm thì họ ra ngoài ban công. Nhưng món ăn thì gần như không đổi.

Trong các bữa sáng, ông Mark đầu tiên sẽ hỏi: “Hôm nay cháu định làm gì?” Và khi nàng chưa kể hết kế hoạch, thì ông đã bắt đầu thuật lại tình hình chiến sự thế giới mà ông đã cập nhật từ sáng sớm. Lúc nào cũng là một vẻ mặt trầm ngâm, rồi sau đó từ tốn từng từ một: “Thì… căng lắm… thế giới này đã trở nên hỗn loạn hơn rất nhiều so với khi bác với cháu nói chuyện với nhau tối qua…” Trong khi cuốn “tiểu thuyết sống” của nàng đang mở ra từng chương sáng sủa, thì thế giới của ông nhà báo về hưu đang ngày một u ám.

Có lẽ vì thế, sự xuất hiện của nàng trong căn hộ nhỏ của ông Mark vào lúc này cũng giúp mang lại một ít sắc màu tươi sáng. Mỗi tối, nàng lại có thêm chuyện để kể với ông.

– Bác Mark, hôm nay cuối cùng thì cháu cũng đã đi thăm toà Quốc Hội (Capitol Hill) mà bác bảo rồi!
– Được lắm! Thế nào?
– Đúng như bác nói! – nàng nịnh ông cụ – Cháu chẳng cần phải đăng ký trước. Cái phim họ chiếu cho cháu xem về Quốc hội Mỹ, nó thực sự cảm động. Tí nữa thì cháu tin sái cổ!
– Đấy! Tuyên truyền nó phải làm làm như thế mới được! Xong sao nữa?
– Xong cháu vào Thư viện Quốc hội Mỹ (Library of Congress). Ở Mỹ nhiều thư viện đẹp thật đấy, lại còn miễn phí. Cháu đến thư viện ở New York với bạn trai, nó cũng quả là một kỳ quan.
– Xong sau đấy cháu có vào Toà án Tối cao (Supreme Court) không?
– Ầy, cháu không đủ thời gian. Cháu có hẹn ăn tối sớm với bạn. Đứa bạn người Ethiopia mà cháu kể với bác là cháu đến chơi nhà hôm nọ ấy!

Cô bạn người Ethiopia đó của nàng tên là Bemnet (tên nhân vật đã thay đổi). Nàng và cô gặp nhau ở lớp 7, tại trường trung học Francis. Học với nhau một năm, rồi nàng chuyển trường. Nhờ facebook mà mãi sau này nàng tìm được Bemnet. Kí ức của họ về nhau sơ sài. Nhưng cô là người duy nhất còn ở DC mà nàng còn giữ liên lạc.

Theo lời ông Mark, có một đợt người Ethiopia đến đây di cư đông, họ không biết tiếng Anh và chủ yếu hành nghề lái taxi kiếm sống. Rồi họ mở quán ăn cho đồng hương. Rồi họ phát hiện người Mỹ cũng thích ăn đồ của họ, và thế là từ lái taxi mà nhiều người trong số họ “lên đời” bằng việc kinh doanh đồ ăn. Đợt ở New York, Ted và nàng cũng đã tới một quán ăn Ethiopia thuộc khu Harlem. Đây là khu phố của người da đen, là nơi Bác Hồ đã từng ở và đi làm thuê. Sống trong thế giới của người da đen, cụ Hồ đã trở nên gần gũi với phong trào của họ tại Mỹ.

Sau khi tới DC vài hôm, nàng tới thăm nhà Bemnet. Hôm đó cũng là ngày thứ hai mà Bemnet chuyển đến căn hộ mới. Đồ đạc còn ngổn ngang dưới đất. “Tớ chuyển tới đây là dùng toàn bộ nội thất mới. Tớ đang đặt, họ còn chưa ship về. Nên giờ giường chiếu, tủ giả, tivi các thứ đều chưa có gì cả, thành ra bãi chiến trường này đây!” – Bemnet ái ngại.

– Bemnet, thế giờ cậu làm gì?
– Tớ làm bảo vệ. Bận lắm! Làm từ thứ hai đến hết thứ bảy, ngày lễ cũng như ngày thường.
– Cậu làm bảo vệ thì chắc giờ cậu khoẻ lắm nhỉ?
– Vẫn cò hương thế này thì khoẻ vào đâu! Việc của tớ chỉ là trông chừng an ninh thôi, còn chẳng có việc gì mà phải đánh đấm. Còn cậu, cậu làm gì?
– Tớ tư vấn công thức mỹ phẩm cho các doanh nghiệp làm đẹp ở Việt Nam. Mà sau dịch, các công ty chết nhiều. Nên năm nay tớ rảnh tớ mới quyết định tăng cường đi chơi. Bemnet, cậu cũng sang Việt Nam chơi với tớ đi?
– Vé máy bay bao nhiêu nhỉ?
– Khứ hồi khoảng ngàn rưỡi.
– Ôi chao đắt vậy á! Tớ không đủ tiền rồi! Mà lâu lắm rồi tớ không đi du lịch ở đâu. Một phần vì chỗ tớ họ bóc lột lao động lắm, không cho nghỉ phép. Đồng nghiệp của tớ đang phải kiện công ty ra toà để cô ấy còn được đi du lịch kia kìa.
– Tệ đến vậy sao? Mà cậu sang Mỹ từ đó đến giờ, đã bao giờ về Ethiopia chưa?
– Tớ cũng muốn về nhưng đắt đỏ quá nên thôi.

Nàng nhìn quanh căn nhà của Bemnet. Cô ấy vừa chuyển sang căn hộ mới to hơn, cũng bỏ hết nội thất cũ để mua đồ mới. Mới rồi cô ấy vừa bốc máy đặt đồ ăn tối, ngót vài chục đô la. Tối nào cũng vậy: giờ thì cô ấy không còn nấu ăn tại nhà nữa. Một tháng gọi đồ ăn thế này thì cũng bằng tiền vé máy bay khứ hồi sang Châu Á.

Bất giác, nàng nhớ đến thông tin rằng 60% người Mỹ không có đủ 400 đô la trong ngân hàng. Họ sống qua ngày nhờ việc vay tín dụng, và thực tế thì họ mua sắm thừa mứa và không am hiểu về tài chính cá nhân, đến khi có lương thì họ lại trả góp. Từ hồi sang Mỹ, nàng chỉ quen những người không vay chi tiêu. Đó là số ít người Mỹ may mắn không rơi vào bẫy nợ nần.

Nếu xét vào số tiền trong tài khoản, thì nàng thấy nàng còn giàu hơn 60% người Mỹ.

Trong số những người nghèo ở Mỹ, rất nhiều người đã không còn nhà cửa. Họ tụ tập thành những khu phố kém an toàn. Giờ thì đỗ ô tô ở một số nơi là phải giấu hết đồ đạc vào cốp xe bởi vì việc phá cửa sổ trộm đồ đạc đã xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật. Cảnh người ăn xin nằm ngủ trên vỉa hè, mẹ địu con đi ăn mày trong tàu điện, người bán rong giữa các toa tàu… ở Mỹ nàng còn thấy nhiều hơn ở Việt Nam. Trớ trêu thay, Mỹ lại là cường quốc số một thế giới. Người Mỹ cũng tin tưởng họ là nước giàu mạnh, nhưng phần đa của họ chưa ra khỏi nước Mỹ để nhìn thế giới xung quanh.

Có hôm nàng và Ted ngồi ăn bánh donut, bọn chim bồ câu mò đến ngủ ngay dưới chân nàng.

– Bọn chim chóc này có vẻ không biết sợ nhỉ? Phải như Việt Nam thì bị đem bỏ nồi rồi đấy! – nàng nói.
– Bọn này ở đây coi con người là nguồn cấp thức ăn mà. Bao đời chim rồi, chúng đã tiến hoá để trở thành lì lợm – Ted đáp.
– Chúng làm em nhớ đến những người ăn xin trong tàu điện ngầm, họ cũng sà hẳn vào em đòi tiền như tụi chim này.
– Nói đến người ăn xin và bồ câu. Có lần anh nhìn thấy một người ăn xin nằm trên đường giả ngủ, tay cầm một miếng bánh mì. Xong có con bồ câu lân la đến, thế là anh ta chộp lấy con bồ câu giấu vào trong túi. Chắc là sẽ thịt!

Nàng nghĩ trong đầu, người ăn mày và bồ câu, xét cảnh ngộ thì có vẻ như cùng hội cùng thuyền, nhưng nếu đói quá thì cũng sẽ thịt nhau.

Trước khi về Việt Nam, nàng và Bemnet lại gặp nhau một lần nữa. Bemnet giành phần chi cho một bữa tối thật lớn, “thừa thì mang về”. Mà bữa đó thừa thật, thừa đến hai phần ba.

– Tớ chưa kể cho cậu ấn tượng của tớ về cậu hồi bé là gì nhỉ? – nàng cười tinh quái.
– Như thế nào đấy? – Bemnet tò mò.
– Có một bữa trưa ở trường, tớ ăn hotdog. Cậu bảo trông như là đang ngậm chim. Hồi ấy, tớ chưa biết rằng chim cũng có thể là một món ăn. Nên tớ thấy đó là thứ kinh tởm nhất trên đời mà tớ nghe được.
– Ôi thật á? Tớ nói vậy á? – Bemnet cười lớn.
– Thế giờ cậu có chú chim nào không?
– Làm gì có chú nào! Trước tớ có hẹn hò, nhưng gã đó kiểm soát quá nên tớ bỏ. Tớ chỉ muốn sống một mình với gia đình của tớ. Tớ không thấy cô đơn.
– Cậu quả là một người rất gần gũi với gia đình nhỉ!
– Nước tớ mọi người sống quây quần bên nhau lắm. Ở nước tớ, gia đình là trên hết.
– “Nước cậu?” Ý cậu là Mỹ hay Ethiopia?
– Ethiopia chứ! Người Mỹ họ có sống vì gia đình vậy đâu!
– Thế cậu chưa phải công dân Mỹ à?
– Tớ có nhập quốc tịch rồi, nhưng trong mắt họ, thì tớ mãi mãi là đứa Châu Phi kiết xác thôi – Bemnet nhìn thẳng vào mắt nàng và trầm giọng.

Hơn một trăm năm mươi năm đấu tranh của người Mỹ gốc Phi ở Hoa Kỳ, để rồi họ sống trong một quốc gia tự do nhưng vẫn còn đầy phân biệt. Nàng tự hỏi, nếu ngày đó nàng vẫn ở Mỹ, thì giờ này số phận của nàng thế nào?

– Bemnet, cậu đã có một công việc ổn định, cậu đã có nhà mới và nội thất mới khang trang hơn, cậu có một gia đình quây quần quanh cậu. Cậu được quyền lựa chọn yêu hay bỏ. Tớ đã đi từ bờ Tây sang bờ Đông, đã nhìn thấy nhiều điều. So với những gì tớ thấy, cậu đã trù phú hơn nhiều người Mỹ. Hãy ăn mừng vì điều đó!
– Cảm ơn Thư. Cậu đã sang được tận đây. Cậu thật tự do. Tớ cũng mừng cho cậu!

Họ cụng ly, hứa hẹn một lúc nào đó sẽ lại gặp nhau.